Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn giao thông bằng nhiều hình thức

Bảo Châu| 21/10/2022 06:05

(HNM) - Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội được đẩy mạnh với hình thức đa dạng, phong phú. Thông qua công tác tuyên truyền, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông được đẩy mạnh trong các trường học. Ảnh: Hoàng Linh

Nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả

Trên cơ sở hiện thực hóa “Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” của Thủ tướng Chính phủ, nhiều hoạt động thiết thực đã được thành phố Hà Nội triển khai. Trong đó, đáng ghi nhận là các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về Luật Giao thông đường bộ nhằm nâng cao trách nhiệm của người dân Thủ đô trong việc tham gia xây dựng văn hóa giao thông và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, hỗ trợ và trang bị kiến thức, kỹ năng cho người dân Thủ đô khi tham gia giao thông.

Đặc biệt, việc nâng cao nhận thức về an toàn giao thông trong giới trẻ rất được các cấp, các ngành quan tâm. Anh Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội nhấn mạnh, các hoạt động tham gia tuyên truyền và giữ gìn trật tự an toàn giao thông được Thành đoàn xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên bởi những vụ tai nạn giao thông do lứa tuổi này gây ra ngày một gia tăng. Trong thời gian qua, Thành Đoàn Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông cho thanh niên như xây dựng các mô hình: “Thanh niên với văn hóa giao thông”; “Kinh nghiệm giáo dục kiến thức về an toàn giao thông đối với đoàn viên, thanh niên”; “Văn hóa giao thông dưới góc nhìn người trẻ”; “Đội giao thông xanh”, “Đội tự quản 3+” (phối hợp với hội cựu chiến binh và hội phụ nữ trong bảo đảm trật tự văn minh đô thị)...; thành lập, duy trì và tăng cường hoạt động của các đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích bảo đảm trật tự an toàn giao thông; nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, tuyên dương thanh, thiếu niên có thành tích xuất sắc trong tham gia bảo đảm an toàn giao thông. Ngoài ra, Trung ương Đoàn phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia triển khai các chương trình lớn như: Ngày hội “Thanh niên với văn hóa giao thông”, diễn đàn “Thanh niên với văn hóa giao thông”, hội nghị “Lãnh đạo trẻ với an toàn giao thông”, cuộc thi “Ứng dụng công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông”... nhằm nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho thanh, thiếu niên, từng bước giảm thiểu tai nạn giao thông ở lứa tuổi này.

Trong bối cảnh phức tạp của đại dịch Covid-19, trên cơ sở nội dung chương trình Năm An toàn giao thông 2022 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và mục tiêu “Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông” của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, thành phố Hà Nội đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông gắn với thực hiện nghiêm các quy định về phòng ngừa dịch Covid-19 đến đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được đẩy lùi, hoạt động giao thông vận tải, mật độ phương tiện và nhu cầu giao thông gia tăng trở lại, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình, các diễn đàn trên mạng xã hội tăng cường quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, góp phần thiết lập lại trật tự an toàn giao thông và đưa Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đi vào đời sống, giúp kéo giảm số vụ tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Bên cạnh đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia còn tập trung vào mục tiêu xây dựng văn hóa giao thông, mở đầu bằng việc tổ chức diễn đàn bàn về chủ đề này tại các ngành, địa phương. Trên khắp các ngả đường, nơi tập trung đông người hay trên các phương tiện giao thông công cộng, người dân dễ dàng thấy những thông điệp tuyên truyền về văn hóa giao thông như: Nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật về giao thông; xóa bỏ tật xấu, tác phong tùy tiện khi tham gia giao thông; xây dựng ý thức tự giác chấp hành quy tắc giao thông, làm chủ tốc độ khi điều khiển phương tiện... Bên cạnh đó là tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật của người đi bộ; đưa vấn đề an toàn giao thông vào nội dung giảng dạy trong trường học cũng như tích hợp trong phong trào xây dựng nếp sống văn hóa tại các gia đình, các khu dân cư...

Đặc biệt, "nghệ thuật hóa" nội dung tuyên truyền về văn hóa giao thông bằng những tác phẩm văn học, tiểu phẩm sân khấu, những đoạn video, ca khúc... được coi là một trong những biện pháp tuyên truyền sinh động và hiệu quả nhất. Từ năm 2010, Dự án “Đưa văn học nghệ thuật vào cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn học, nghệ thuật” đã được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia giao cho Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc (NCBT & PHVHDT) Việt Nam triển khai thực hiện. Mục tiêu của dự án này là huy động sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức văn hóa - nghệ thuật, các nhà báo, văn nghệ sĩ..., thông qua những tác phẩm báo chí và tác phẩm nghệ thuật để tác động một cách hiệu quả vào tình cảm và nhận thức của cộng đồng, tạo ra sự thay đổi về hành vi khi tham gia giao thông...

Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tuyên truyền về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đại đa số người dân trên địa bàn Thành phố đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, cũng như thấy rõ về hiểm họa, hậu quả của tai nạn giao thông đối với mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.

Còn nhiều việc phải làm

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Quang Diệu, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, bên cạnh sự chuyển biến tích cực, công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, như: Việc tuyên truyền chưa được duy trì thường xuyên, liên tục; văn bản pháp luật quy định về an toàn giao thông chưa đến với mọi người dân, nhất là người dân ở  vùng sâu, vùng xa, các khu vực khó khăn...

Theo Tiến sĩ Trần Quang Diệu, trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về an toàn giao thông, các cơ quan, đơn vị truyền thông của thành phố Hà Nội cần tiếp tục nâng cao chất lượng, nội dung tuyên truyền bằng nhiều hình thức.

"Đầu tiên, chúng ta cần phổ biến, tuyên truyền giúp người dân hiểu các quy định và cách thức ứng xử văn minh, đúng pháp luật trong quá trình tiếp xúc với lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ. Tiếp đó, chúng ta cần động viên, cổ vũ, khuyến khích những tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến gắn với việc phê bình, lên án những hành vi vi phạm quy định trong tham gia giao thông cũng như trong thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cần được định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, qua đó tìm ra những mặt tồn tại, hạn chế để đề ra biện pháp khắc phục, rút kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền cho thời gian tiếp theo. Qua sơ kết, tổng kết để phát hiện những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để đề xuất khen thưởng, động viên kịp thời, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông” - Tiến sĩ Trần Quang Diệu nhấn mạnh.

Đối với giới trẻ, theo anh Trần Quang Hưng, để đạt kết quả tốt hơn trong tuyên truyền, cần đưa nội dung về an toàn giao thông vào các tiết giảng trong trường học, đồng thời chú trọng hơn nữa hình thức tuyên truyền trong các khu dân cư, tổ dân phố, mỗi gia đình. Mỗi cá nhân cần là một tấm gương về thực hiện văn hóa giao thông để người thân noi theo, để gia đình cùng với nhà trường và xã hội tạo nên “trục ba chân” vững chắc nhằm nâng cao ý thức chấp hành của mọi người dân, xây dựng văn hóa giao thông, góp phần giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn giao thông bằng nhiều hình thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.