Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh tư liệu hóa di sản

Nguyễn Thanh| 26/03/2022 06:26

(HNM) - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã xây dựng kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu cần bảo vệ trên địa bàn thành phố năm 2022, với 4 di sản được tiến hành khảo sát chuyên sâu, tập hợp thông tin, lập hồ sơ lưu trữ. Qua đó bổ sung nguồn tư liệu, thông tin về di sản phục vụ công tác bảo tồn, tôn vinh, quảng bá; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, thu hút nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại.

Các nghệ nhân làng rối Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức) truyền dạy nghề truyền thống cho thế hệ trẻ. Ảnh: Linh Tâm

Nhận diện giá trị di sản

Là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của xây dựng và phát triển văn hóa với trung tâm là chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn Hà Nội luôn được chú trọng, triển khai nhiều giải pháp, trong đó có hoạt động kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản.

Theo Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh, nếu như công tác kiểm kê giúp nhận diện, đánh giá sức sống của di sản, thì việc tư liệu hóa di sản góp phần bảo vệ kịp thời di sản trước những nguy cơ mai một, như: Người nắm giữ di sản tuổi cao, sức yếu; sự chuyển giao di sản bị gián đoạn… “Những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp với các địa phương thực hiện phỏng vấn, ghi âm, ghi hình, lập hồ sơ lưu trữ phục vụ việc nghiên cứu và bảo tồn lâu dài hàng chục di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có không ít di sản ở “ngưỡng” bị đe dọa mai một, như: Hát trống quân ở huyện Thường Tín, hát dô ở huyện Quốc Oai… Các nghệ thuật trình diễn này được ghi hình, in sách về cách thức trình diễn các bài hát, điệu múa, vừa làm cơ sở giảng dạy, vừa để đưa đi quảng bá tại các sự kiện văn hóa. Hiện tại, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang thực hiện tư liệu hóa nghệ thuật xẩm và xuất bản sách hát văn cổ”, bà Phạm Thị Lan Anh cho hay.

Bên cạnh đó, công tác tư liệu hóa di sản còn hỗ trợ rất lớn cho việc vinh danh di sản, thông qua việc ghi danh vào các danh mục bảo vệ của quốc gia và quốc tế. Có thể kể đến các di sản tiêu biểu: Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng, hội thổi cơm thi Thị Cấm, nghệ thuật trình diễn ca trù… Giám đốc Trung tâm Quản lý khu du lịch - di tích đền Sóc Nguyễn Nam Nho cho biết: “Tư liệu hóa nghi lễ, trò diễn dân gian trong Hội Gióng được địa phương chủ động thực hiện, nhằm khẳng định giá trị độc đáo của di sản, phục vụ công tác ghi danh di sản vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cũng như làm cơ sở ngăn ngừa những biến tướng trong lễ hội”.

Còn theo Trưởng tiểu ban di tích đình làng Thị Cấm, phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Vinh Hà, hội thổi cơm thi được duy trì đều đặn hằng năm, là một phần không thể tách rời trong lễ hội đình làng Thị Cấm. “Chúng tôi luôn bảo nhau phải thực hành cho đúng nghi lễ, phong tục cổ truyền, những điều đã được ghi chép, lưu trữ thông qua hoạt động tư liệu hóa di sản”, ông Nguyễn Vinh Hà chia sẻ.

Bảo vệ di sản bền vững, lâu dài

Phát huy hiệu quả từ hoạt động tư liệu hóa di sản, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa di sản, nhằm xây dựng kho dữ liệu phục vụ công tác quản lý, xây dựng hồ sơ, nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, di sản có sức sống bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều vào cộng đồng nắm giữ di sản. Điều này cần được chú trọng bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như có những quan tâm, đầu tư cần thiết để tiếp sức cộng đồng từ phương pháp, kinh nghiệm lưu giữ đến các bước thực hiện chuyên môn, trong đó tập trung cho các di sản có giá trị nổi bật hay những di sản đang có nguy cơ mai một.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, trong năm 2022, đơn vị sẽ tổ chức đoàn khảo sát chuyên sâu, tiến hành tư liệu hóa với 4 di sản: Nghề nặn tò he ở Xuân La (huyện Phú Xuyên); nghề làm bánh tẻ ở làng Phú Nhi (thị xã Sơn Tây); nghề làm đàn Đào Xá (huyện Ứng Hòa) và nghề làm bún Phú Đô (quận Nam Từ Liêm). Hoạt động này nhằm mục đích phản ánh chân thực giá trị, thực trạng thực hành, bảo vệ di sản của cộng đồng nắm giữ di sản tại thời điểm tư liệu hóa; bổ sung nguồn tư liệu và các thông tin về di sản phục vụ hoạt động tuyên truyền, quảng bá; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghề thủ công truyền thống, gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh tư liệu hóa di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.