Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh thực thi, nâng cao mức phạt song song với giáo dục về bản quyền phần mềm máy tính

H.T| 10/05/2012 14:42

(HNMO) - Vừa qua, Thanh tra Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm sử dụng Công nghệ cao C50 ( Bộ Công An) đã tiến hành kiểm tra đột xuất việc tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực bản quyền phần mềm máy tính tại 4 doanh nghiệp lớn 100% vốn Đài Loan (TQ).

Lực lượng thanh tra liên ngành đang kiểm tra phần mềm tại 1 doanh nghiệp.


Đây là những động thái mạnh tay tiếp theo của Chính phủ sau hàng loạt các chương trình tuyên truyền, giáo dục sâu rộng tới tận các tổ chức, doanh nghiệp mà các cơ quan liên ngành đã phối hợp với các tổ chức nước ngoài như BSA và các doanh nghiệp phần mềm (PM) trong và ngoài nước trong suốt thời gian qua. Đợt thanh tra này là được thực hiện sau hội thảo được BSA và Phòng Thương mại Đài Loan (TQ) tổ chức vào tháng 3 vừa qua nhằm nâng cao ý thức tuân thủ quyền Sở hữu trí tuệ trong cộng đồng doanh nghiệp này.

Theo thông tin từ Đoàn thanh tra, cả 4 công ty Đài Loan (TQ) vừa tiến hành thanh tra đều là các doanh nghiệp có qui mô sản xuất lớn với số lượng công nhân viên từ 200-7000 người, có thương hiệu trên thị trường. Cụ thể, một doanh nghiệp có trụ sở đóng tại tỉnh Bình Dương và 3 doanh nghiệp khác đều có trụ sở tại tp. Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực vực sản xuất hàng may mặc, sản xuất khung nhựa và các sản phẩm nhựa, sản xuất xe gắn máy và các linh kiện ô tô.

Đại diện Đoàn thanh tra cho biết trong số hơn 221 máy tính được kiểm tra tại 4 doanh nghiệp này đã phát hiện một số lượng lớn phần mềm bất hợp pháp. Trong số các phần mềm sao chép, chủ yếu là các phần mềm văn phòng thông dụng của Microsoft : Microsoft Window Server, Window XP, Microsoft Office, các phần mềm của Lạc Việt như từ điển Lạc Việt và các PM chuyên dụng cho thiết kế như AutoCAD, SolidWorks, Adobe Photoshop. Theo ước tính từ các chủ sở hữu thì tổng giá trị phần mềm vi phạm của đợt thanh tra này lên tới hơn 4 tỷ đồng.

Phản ánh về những trường hợp vi phạm bản quyền phần mềm , Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, ông Phạm Xuân Phúc cho biết: “ Một số doanh nghiệp nước ngoài mặc dù hiểu biết về sở hữu trí tuệ rất đầy đủ (sản phẩm của họ bị làm giả, làm nhái là họ kiện ngay), có nhiều điền kiện thuận lợi trong SXKD, hiệu quả SXKD cao nhưng họ cố tình trốn tránh mua bản quyền phần mềm máy tính, chỉ đến khi chúng tôi thanh tra phát hiện ra họ mới mua. “ . “Chúng tôi cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, các tổ chức và người dân hãy sử dụng những phần mềm máy tính có bản quyền, hợp pháp; cái gì thuộc sở hữu của mình hãy bán, cho, tặng; hãy tránh xa những phần mềm lậu, cài đặt không được sự cho phép của chủ sở hữu, không hợp pháp, nếu cố tình sử dụng thì trước sau cũng bị chúng tôi kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của Pháp luật” ông Phúc nhấn mạnh thêm.

Tuân thủ trước khi quá muộn

Theo thông tin mới nhất từ Đoàn thanh tra thì ngoài việc xử phạt các doanh nghiệp với mức phạt nghiêm khắc hơn theo Nghị định số 47/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan mới được Thủ tướng sửa đổi vào tháng 12/2011 thì các doanh nghiệp này đang phải đối mặt với việc khiếu kiện ra tòa từ các công ty sản xuất PM.

Trong một cuộc hội thảo gần đây liên quan đến PM máy tính, TS Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả , Bộ VHTT& DL chia sẻ về những rủi ro mà các DN Việt Nam hoặc các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam sử dụng PM không có bản quyền xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế: “Đối với doanh nghiệp nước ngoài sử dụng nhân công và trang thiết bị tại Việt Nam để sản xuất và xuất hàng sang nước khác, nếu nước nhập khẩu phát hiện những doanh nghiệp này không sử dụng PM có bản quyền sẽ gây ảnh hưởng đến cả nước đầu tư và Việt Nam. Đối với Doanh nghiệp Việt Nam sản xuất để xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế mà không sử dụng PM có bản quyền sẽ đối mặt với rủi ro bị tước quyền xuất khẩu vào nước đó.”

“Chúng tôi đang có những chương trình phối hợp các DN sản xuất PM quốc tế và Việt Nam nhằm tư vấn cho các doanh nghiệp sử dụng PM hiệu quả và hợp lí nhất. Ngoài việc khuyến khích, tuyên dương các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc BQPM bằng việc trao Giấy ghi nhận như trên, chúng tôi còn đưa ra một lộ trình khá dài trong những năm tới.” TS Vũ Mạnh Chu chia sẻ thêm.

Mới đây, với vụ kiện ra tòa của một công ty vi phạm BQPM tại tp. Hồ Chí Minh, việc tăng cường tuyên truyền và thực thi của Chính phủ VN cũng như sự kiện Mỹ áp dụng đạo luật vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin đối với doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đã cho thấy hành vi vi phạm bản quyền PM trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng nạn dùng chùa PM tại Việt Nam sắp hết thời và các doanh nghiệp nên nhìn nhận lại vấn đề này một cách nghiêm túc nhất trước khi quá muộn. Bởi, theo đạo luật này thì các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực xuất khẩu như dệt may, giày, nhựa, nội thất,… nếu sử dụng các phần mềm sao chép để cài vào máy tính phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thì các sản phẩm hoàn chỉnh của họ cũng bị coi là sản phẩm vi phạm bản quyền và cấm xuất khẩu sang Mỹ.

Một lần nữa, Đạo Luật này cũng là hồi chuông cảnh báo các doanh nghiệp tại Việt Nam cần nâng cao hơn nữa ý thức tôn trọng quyền Sở hữu trí tuệ. Chỉ khi các doanh nghiệp xác định, phần mềm cũng giống như phần cứng, khi muốn sử dụng cho hoạt động kinh doanh của công ty thì phải mua từ chủ sở hữu mới được phép sử dụng thì tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm trong các doanh nghiệp mới có thể chấm dứt được. Tuy vậy, trong nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, quyền sở hữu trí tuệ không chỉ được Chính phủ Việt Nam bảo hộ theo cam kết quốc tế mà các doanh nghiệp VN muốn bước chân vào thị trường quốc tế thì cam kết tôn trọng bản quyền là một điều không thể thiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh thực thi, nâng cao mức phạt song song với giáo dục về bản quyền phần mềm máy tính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.