(HNM) - Là địa phương có thị trường thương mại điện tử và hoạt động mua bán, thanh toán sôi động nhất cả nước, việc thanh toán không tiền mặt dần trở nên phổ biến tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, hình thức thanh toán này càng trở nên cấp thiết, cần được đẩy mạnh hơn.
Chị Trần Thị Tố Như (ở phường Bình Thuận, quận 7) cho biết, dù nhà chỉ cách chợ Tân Mỹ (quận 7) chưa tới 500m nhưng chị hạn chế đi chợ trực tiếp mà chuyển sang mua sắm trực tuyến thông qua thương mại điện tử và các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, chị Tố Như đã đăng ký dịch vụ thanh toán không tiền mặt do các ngân hàng hay bên trung gian phát triển. “Mua sắm trực tuyến kết hợp thanh toán trực tuyến vừa tiện lợi, vừa giúp ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì tôi vẫn sẽ sử dụng phương thức thanh toán này”, chị Tố Như chia sẻ.
Đại diện quản lý nhà hàng Nhà Xưa (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cũng cho hay, nhà hàng vừa thử nghiệm bán hàng không dùng tiền mặt thông qua một ví điện tử thịnh hành nhằm thực hiện công tác phòng, chống dịch, đồng thời giúp thay đổi thói quen giao dịch của khách hàng. Trước đó, nhà hàng này đã áp dụng hình thức bán thực phẩm chế biến sẵn trực tuyến nên vẫn duy trì được hoạt động trong thời gian thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Còn đại diện Công ty TNHH Grab Việt Nam (trụ sở tại quận 7) thông tin, doanh nghiệp này đã triển khai công nghệ đa ứng dụng để vận hành các dịch vụ như đi lại, giao hàng, thanh toán trên thiết bị điện thoại thông minh. Đặc biệt, ứng dụng thanh toán không tiền mặt đã phát huy tác dụng rất tích cực, góp phần bảo vệ an toàn cho đối tác, khách hàng trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.
Theo Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), 5 tháng đầu năm 2021, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử Napas đã xử lý hơn 800 triệu giao dịch, tương ứng với hơn 8 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 113% về số lượng và 169% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020. Tổng giá trị thanh toán thẻ, ví điện tử qua cổng thanh toán trực tuyến Napas tăng trưởng tới 125% so với cùng kỳ năm 2020. Ngược lại, tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt tại máy rút tiền tự động ATM được xử lý qua hệ thống Napas giảm từ 42% năm 2019 (thời điểm chưa bùng phát dịch) xuống còn 16% trong 5 tháng đầu năm 2021.
Hiện nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai công nghệ chấp nhận thanh toán thông qua thiết bị điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android là tap to phone. Công nghệ thanh toán trên rất phù hợp cho các đơn vị chấp nhận thanh toán là các cửa hàng tạp hóa, tiểu thương chợ truyền thống, các nhân viên giao hàng, các quán ăn, thanh toán vé xe…
Ông Phạm Đức Duy, Giám đốc Trung tâm thẻ Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, hiện đơn vị này đang áp dụng 3 hình thức thanh toán không tiền mặt là tap to phone, thanh toán QR Code (mã QR) và thanh toán trực tuyến thông qua các công cụ khác. Theo ông Phạm Đức Duy, các ứng dụng hay dịch vụ cho phép giao dịch không tiền mặt đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng, đặc biệt giúp khách hàng an toàn hơn trong giai đoạn dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố cũng đang nỗ lực nghiên cứu, triển khai các sản phẩm, dịch vụ tiện ích như số hóa thông tin thẻ, thanh toán QR Code; mở rộng kết nối với các tổ chức trung gian thanh toán, nhà cung ứng dịch vụ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán điện tử của khách hàng; đồng thời tăng cường tính bảo mật khi thanh toán không tiền mặt để bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cơ quan này đang phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của thành phố để tuyên truyền, khuyến khích người dân thanh toán không tiền mặt. Theo đó, việc thanh toán không tiền mặt được thành phố đẩy mạnh trong giao dịch tại các bệnh viện, trường học, thanh toán tiền điện, một số lĩnh vực hành chính công… để bao trùm ngày càng nhiều hơn các lĩnh vực của đời sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.