Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và tăng trưởng bền vững

Thanh Hải| 03/11/2016 07:00

(HNM) - Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 là nội dung được thảo luận sôi nổi tại Quốc hội hôm qua, 2-11. Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí đánh giá kế hoạch đã được nghiên cứu xây dựng bài bản, khoa học; đồng thời kiến nghị, đề xuất giải pháp để quá trình tái cơ cấu đạt hiệu quả.

Du lịch hiện là ngành kinh tế mũi nhọn với đóng góp lớn cho nền kinh tế. Ảnh: Hoàng Việt


Các bộ trưởng cũng phát biểu nhấn mạnh thêm những nội dung nhằm phát triển bền vững kinh tế trong giai đoạn tới.

Đánh giá toàn diện và có đối sách phù hợp

Đa số đại biểu đồng ý và nhấn mạnh, kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã được nghiên cứu xây dựng công phu, bài bản, khoa học với cách tiếp cận đa chiều, toàn diện. Khác với tái cơ cấu kinh tế được thực hiện trong giai đoạn 2011-2015, với 3 trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, nhất là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tái cơ cấu hệ thống tài chính - tín dụng; kế hoạch giai đoạn 2016-2020 đề ra 5 nội dung trọng tâm, 10 nhiệm vụ ưu tiên; đồng thời chỉ rõ những nhiệm vụ, công việc cụ thể (70 đề án, nhiệm vụ), giao cho từng bộ, ngành triển khai.

Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn mới không chỉ là cấu trúc lại những yếu tố mang tính cơ học của nền kinh tế mà còn bao phủ cả những vấn đề như xây dựng và đổi mới thể chế kinh tế, hoàn thiện khung khổ pháp lý, tái cơ cấu thị trường các nhân tố đầu vào, đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch... ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đoàn Đà Nẵng) đánh giá: "Chính phủ đã vào cuộc với những giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh". Và theo ĐB Lê Quân (Đoàn Hà Nội), kế hoạch tái cơ cấu kinh tế lần này đã phân vai trò rõ ràng - vai trò của chính sách nhà nước kiến tạo, vai trò của doanh nghiệp bao gồm cả các ngân hàng, thị trường tài chính, thị trường lao động tái cơ cấu. Kế hoạch tập trung vào sự phân bổ và điều chỉnh hiệu quả hơn các nguồn lực, qua đó tạo sự cạnh tranh công bằng và minh bạch.

Tuy nhiên, việc cải thiện môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu. Do vậy, ĐB Nguyễn Bá Sơn kiến nghị, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; đối thoại thường xuyên hơn với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và khu vực kinh tế tư nhân. Trong khi đó, theo ĐB Lê Quân, kế hoạch cần phân tích đầy đủ hơn về tác động của tái cơ cấu kinh tế đối với chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu thu nhập, rộng hơn là đời sống người dân.

ĐB Phùng Văn Hùng (Đoàn Cao Bằng) cho rằng: Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 còn hạn chế là chưa tạo được nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của nhiệm vụ. Điều này thể hiện ở việc dù nhiều bộ, ngành và địa phương có xây dựng đề án tái cơ cấu nhưng còn mang nặng tính hình thức, triển khai rất chậm, đặc biệt là ở địa phương; tình trạng coi việc tái cơ cấu là việc của trung ương khá phổ biến...

Nhiều ĐBQH kiến nghị, để thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, Chính phủ cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể của vùng gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phân tích thế mạnh của từng vùng, đồng thời tập trung phát triển nhanh hơn các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Các tỉnh, thành phố đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc nâng cao khả năng tổ chức hoạt động phối hợp liên tỉnh, xóa bỏ tư duy khép kín.

Giải pháp đột phá cho tăng trưởng bền vững

Ngành Nông nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng đối với từng sản phẩm. Trong ảnh: Chế biến điều xuất khẩu tại Công ty Nhật Huy, tỉnh Bình Dương.


Giải trình trước các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận: Chính phủ đã có đề án tái cơ cấu nông nghiệp, sau 3 năm thực hiện đã tạo chuyển biến quan trọng về nhận thức nhưng thành công mới ở bước đầu vì sản xuất vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là sản phẩm thô nên giá thấp. Nguyên nhân là nhận thức tái cơ cấu chưa phổ biến; chính sách ban hành nhiều nhưng có nhiều chính sách không đi vào cuộc sống.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian tới, các giải pháp sẽ dồn cho sản phẩm có lợi thế, quy mô giá trị lớn có giá trị xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên; thứ hai là sản phẩm cấp tỉnh vì 63 tỉnh đều có lợi thế xây dựng sản phẩm chủ lực. Giải pháp tiếp theo là tháo gỡ các điểm nghẽn, trong đó có đất đai để thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư; chính sách để phát triển hợp tác xã; chính sách đối với vùng dễ tổn thương như vùng sâu, vùng xa để bảo đảm đời sống đồng đều. Bộ trưởng nhấn mạnh, tái cơ cấu nông nghiệp là vấn đề khó và lâu dài, cần có một gói hỗ trợ riêng để tạo thế chủ động, kết hợp với hợp tác PPP để kêu gọi đầu tư.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian tới, Bộ TN-MT sẽ chủ động hiện đại hóa công tác quy hoạch sử dụng đất đai, quản lý sử dụng đất theo đúng quy hoạch, trên cơ sở tiếp cận cơ chế thị trường, xây dựng chính sách đồng bộ cũng như ứng dụng công nghệ thông tin. Cùng với đó là kiểm kê quỹ đất trong phạm vi cả nước, đặc biệt là quỹ đất tại các nông, lâm trường. Việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước cho sản xuất và sinh hoạt đang là vấn đề nóng khi có tới 64% lượng nước của Việt Nam đến từ ngoài biên giới. Bộ TN-MT đã tích cực xây dựng quy chế sử dụng nước chung lưu vực xuyên biên giới, xây dựng chiến lược sử dụng tài nguyên nước, tái cơ cấu sản xuất cho những vùng nhạy cảm... Về khai thác khoáng sản (nguồn lợi mang lại 4-5% GDP quốc gia), Bộ trưởng Bộ TN-MT khẳng định quan điểm giảm xuất khẩu khoáng sản thô.

Theo đó, nguyên lý đưa ra là cần chọn thời điểm khai thác các loại khoáng sản hợp lý, dựa vào những tín hiệu của thị trường, xử lý nghiêm việc lãng phí tài nguyên, khai thác khoáng sản bằng công nghệ lạc hậu và thực hiện đấu thầu khai thác mỏ. Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, giải quyết căn cơ chính là tái cơ cấu nền kinh tế, hạn chế hoạt động ảnh hưởng nhiều đến môi trường, can thiệp vào tự nhiên. "Cần xác lập vị thế mới của môi trường, chuyển từ việc môi trường đi sau phát triển kinh tế sang định hướng môi trường phải đi trước và nằm ngay trong quá trình phát triển kinh tế. Vấn đề môi trường cần đưa vào ngay trong mỗi dự án đầu tư, trong quá trình triển khai thực hiện” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu quan điểm.

(HNM) - Ngày 2-11, thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 tại hội trường, nhiều đại biểu đánh giá cao, bày tỏ tin tưởng vào năng lực điều hành, quản lý của Chính phủ nhiệm kỳ mới. Đồng thời, chỉ ra nhiều vấn đề đề nghị Chính phủ tập trung làm tốt hơn nữa trong thời gian tới như bảo vệ môi trường, tập trung đầu tư cho lĩnh vực du lịch, nâng cao chất lượng các ngành y tế, giáo dục… Một số đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung đầu tư hạ tầng, quan tâm xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, không để khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền ngày càng lớn.

Quốc Bình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và tăng trưởng bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.