(HNM) - Năm 2021 là một năm nhiều biến động về kinh tế - xã hội do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, trong đó thủ công mỹ nghệ là một trong những ngành hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bằng những chính sách thiết thực, hiệu quả, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nghệ nhân các làng nghề thủ công mỹ nghệ đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, kết nối giao thương, chinh phục thị trường trong và ngoài nước.
Dịch Covid-19 "bịt đầu ra" của sản phẩm
Theo Phó Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống lược sừng Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) Lê Thị Thuận, làng nghề Thụy Ứng nổi tiếng với các sản phẩm như: Vòng tay, đĩa khay, trâm cài tóc, thìa dĩa, khung tranh... Các tác phẩm mỹ nghệ được chế tác từ sừng trâu của làng hiện được bán trên toàn quốc. Ðặc biệt, các mặt hàng này đang được xuất khẩu sang các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Mỹ... và là sản phẩm du lịch độc đáo của Việt Nam. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến “đầu ra” của sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các sản phẩm bán cho khách du lịch. “Vì vậy, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội hỗ trợ thiết kế mẫu mã, cũng như quảng bá sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước”, bà Lê Thị Thuận kiến nghị.
Tương tự, bà Tạ Thu Hương - nghệ nhân làng nghề nón làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) thông tin, hiện sản phẩm nón không chỉ làm theo kiểu truyền thống mà đã được phối lại phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại. Năm 2021, do tác động của dịch Covid-19 nên hoạt động giao thương gặp khó khăn, cùng với đó chi phí logistics cao đã tác động rất lớn đến lợi nhuận của các cơ sở sản xuất. Mặt khác, lợi nhuận trên doanh thu của nghề mây tre đan rất thấp, không thể so sánh với các dây chuyền sản xuất công nghiệp của các ngành hàng khác. Vì vậy, các cơ sở sản xuất rất cần Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất, kinh doanh; giảm thuế thu nhập; kết nối tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống.
Đánh giá về những khó khăn các làng nghề thủ công mỹ nghệ đang phải đối mặt, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội (Sở Công Thương Hà Nội) Đào Hồng Thái cho biết, tuy nhu cầu thị trường với các sản phẩm mây tre đan là rất lớn nhưng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất rất khó để nâng giá bán, do Trung Quốc có chính sách trợ giá đối với các mặt hàng mây tre đan xuất khẩu để thống lĩnh thị trường quốc tế. Mặt khác, dịch Covid-19 khiến nhiều chuỗi cung ứng sản xuất, kinh doanh ngành hàng thủ công mỹ nghệ bị đứt gãy, tác động lớn đến việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhiều đơn hàng được đề nghị lùi thời hạn giao hàng và bị hủy, nhiều mặt hàng đã làm xong nhưng không xuất khẩu được. Do đó, việc tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm là giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp vực lại sản xuất, góp phần bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn.
Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất
Theo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, dịch Covid-19 đã làm suy giảm tiêu dùng của người dân và xã hội, ảnh hưởng hầu hết lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bằng những chính sách thiết thực và hiệu quả, UBND thành phố Hà Nội, ngành Công Thương Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; tiếp tục đẩy mạnh kết nối giao thương, phát triển thị trường, đặc biệt là kích cầu tiêu dùng trong nước, đưa các sản phẩm có chất lượng cao đến tay người tiêu dùng và xuất khẩu tại chỗ gắn với các hoạt động du lịch mua sắm, giải trí trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, nhằm giúp các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất thương mại làng nghề tăng khả năng cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề; mời các chuyên gia thiết kế trong nước và nước ngoài giúp các doanh nghiệp làng nghề tiếp cận những mẫu mã mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện đại.
Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan Hiền Lương (huyện Phú Xuyên) Nguyễn Thị Lương cho hay, với sự hỗ trợ của thành phố thông qua Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, những năm gần đây, công ty đều có những bộ sản phẩm mới. Trên cơ sở những mẫu mã do đội ngũ thiết kế của doanh nghiệp sáng tạo, các chuyên gia đã tư vấn, chỉnh sửa họa tiết, màu sắc… để sản phẩm bắt mắt và phù hợp hơn với thị hiếu khách hàng.
Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2021 do thành phố Hà Nội tổ chức mới đây cũng là một trong những hoạt động hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, tham gia các hội chợ, triển lãm ngành thủ công mỹ nghệ là cơ hội để các nghệ nhân, cơ sở sản xuất học tập, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm; đồng thời đưa các thiết kế mới vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.