(HNMO) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường mua sắm, tiêu dùng tại thành phố Hồ Chí Minh sụt giảm trong các tháng giữa năm 2020. Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy hoạt động kinh tế, thương mại nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra trong năm 2020.
Giá ổn định
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, tại hầu hết chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, hàng hóa tiêu dùng dồi dào, tiểu thương không tăng giá trong vài tháng trở lại đây.
Chị Bùi Thị Ngọc Bích (tiểu thương chợ Tân Mỹ, quận 7) cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sức mua có giảm so với những năm trước. “Hiện các tiểu thương trông chờ vào mùa mua sắm cao điểm cuối năm, hy vọng sức mua sẽ tăng lên”, chị Ngọc Bích nói.
Chị Cẩm Hường (ngụ phường 2, quận 4) cho biết, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gia đình chị thắt chặt chi tiêu hơn. Tuy vậy, chị cũng đã chuẩn bị kế hoạch chi tiêu trong thời gian sắp tới. “Tôi hy vọng giá cả hàng hóa tiêu dùng cuối năm phù hợp với túi tiền của người lao động”, chị Cẩm Hường chia sẻ.
Tại các kênh phân phối hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị, hiện hàng hóa luôn trong dồi dào, giá cả được giữ ổn định. Ông Đỗ Quốc Huy, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, Saigon Co.op không để gián đoạn trong việc cung ứng hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, ngay cả trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19.
Đại diện Big C Việt Nam cho biết, nhà bán lẻ này giữ giá ổn định trong năm 2020, đồng thời, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi theo kế hoạch kinh doanh, mùa mua sắm, lễ hội trong năm.
Kích cầu tiêu dùng cuối năm
Để chuẩn bị mùa mua sắm cao điểm cuối năm, Saigon Co.op đã tăng cường dự trữ hàng hóa, đồng thời bổ sung phương án cung ứng hàng hóa và phương án vận chuyển riêng biệt cho từng địa phương, từng khu vực.
Còn tại Big C Việt Nam, trong đợt cao điểm tiêu dùng cuối năm nay, đơn vị này bảo đảm cung ứng đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng và lương thực, thực phẩm thiết yếu. Bên cạnh đó, Big C sẽ mở rộng thêm các nhóm mặt hàng với giá ưu đãi, tăng cường khuyến mãi nhằm thu hút hơn nữa người tiêu dùng.
Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, nguồn hàng hóa cung ứng thị trường cuối năm đến từ 3 nguồn: Các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường (chiếm 30 - 40% thị phần); các chợ đầu mối (chiếm 60 - 70% thị phần); các doanh nghiệp khác (chiếm 10 - 20% thị phần).
Riêng nguồn hàng chuẩn bị từ các doanh nghiệp để cung ứng cho 2 tháng trước, trong và sau Tết là hơn 19.679 tỷ đồng, tăng hơn 652 tỷ đồng (hơn 3,4%) so với Tết Canh Tý 2020. Trong tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 1 đến ngày 30 tháng Chạp âm lịch), tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị hơn 10.425 tỷ đồng.
Hiện nay, hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố có 237 chợ, 236 siêu thị, 45 trung tâm thương mại và 2.735 cửa hàng bán lẻ đủ sức đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân thành phố.
Nhằm kích cầu tiêu dùng, thành phố cũng đẩy mạnh kênh bán hàng lưu động. Theo đó, từ nay đến Tết Tân Sửu 2021, thành phố thực hiện bình quân 130 chuyến hàng lưu động/tháng. Riêng 2 tháng cao điểm trước Tết, thực hiện 350 chuyến.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở luôn theo dõi sát diễn biến thị trường để đưa ra các biện pháp nhằm ổn định thị trường, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa cục bộ, tăng giá đột biến.
“Sở luôn phối hợp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa; trong đó ưu tiên cho doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường mở rộng mạng lưới phân phối đến các khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng hóa của người dân”, ông Lê Huỳnh Minh Tú nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.