Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh giải pháp điều hành, bình ổn giá năm 2022

Lam Giang| 17/10/2022 12:22

(HNMO) - UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản về việc triển khai thực hiện các biện pháp điều hành, bình ổn giá năm 2022.

 Từ nay tới cuối năm, các cơ quan, ban, ngành đẩy mạnh giải pháp bình ổn giá hàng hóa.

Văn bản nêu rõ, trong 9 tháng năm 2022, tình hình giá cả thị trường trong nước có nhiều biến động do ảnh hưởng từ các yếu tố không thuận lợi về kinh tế, chính trị trên thế giới, sự biến động về giá xăng dầu, gas, vàng, USD... dẫn đến giá của các loại hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu, có xu thế tăng giảm đan xen.

Công tác điều hành giá của thành phố được triển khai nghiêm túc theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính. UBND thành phố đã kịp thời chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; tham mưu các biện pháp quản lý, điều hành giá; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ găm hàng và tăng giá bất hợp lý; kịp thời xử lý các sai phạm, lợi dụng tình hình thị trường có biến động để tăng giá bất hợp lý...

Trong những tháng cuối năm 2022, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư vẫn chịu áp lực từ tình trạng phục hồi không đồng đều, thiếu bền vững của các ngành kinh tế, dẫn đến không ổn định, diễn biến phức tạp. Do vậy, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, không chủ quan, lơ là.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về các giải pháp cụ thể đối với công tác điều hành giá năm 2022 và việc tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của UBND thành phố tại các văn bản số 1160/UBND-KT ngày 20-4-2022, số 2745/UBND-KTN ngày 22-8-2022.

Theo đó, Sở Giao thông Vận tải, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện rà soát hồ sơ kê khai giá dịch vụ vận tải thuộc đối tượng do đơn vị tiếp nhận theo thẩm quyền để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là giá nhiên liệu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, thu tiền theo giá dịch vụ niêm yết, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá niêm yết, thu cao hơn giá niêm yết, chủ động yêu cầu các đơn vị kê khai giảm giá kịp thời khi các yếu tố đầu vào giảm do giá xăng dầu giảm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành và các địa phương đánh giá tình hình sản xuất, chăn nuôi đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn. Có các giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng về phân bón và thức ăn chăn nuôi, đẩy mạnh sản xuất đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới.

Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các ngành, UBND các quận, huyện, thị xã theo dõi diễn biến giá vật liệu xây dựng, công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng trên địa bàn. Tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quản lý trật tự xây dựng, xử lý kịp thời các trường hợp găm hàng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá tăng cao bất hợp lý ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các công trình, dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm.

Sở Y tế chủ động kiểm tra, rà soát hồ sơ kê khai giá các loại thuốc kê khai tại Sở Y tế theo quy định của Luật Dược; theo dõi sát tình hình dịch bệnh để bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Sở Du lịch tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về niêm yết giá và thực hiện giá niêm yết đối với các dịch vụ lưu trú, du lịch. Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng các dịp lễ, Tết, diễn biến giá xăng dầu để tăng giá bất hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh giải pháp điều hành, bình ổn giá năm 2022

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.