Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Hồng Sơn - Thanh Nga| 17/07/2020 05:15

(HNM) - Chỉ rõ nguyên nhân tồn tại, đề ra giải pháp với tinh thần quyết liệt nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lan tỏa và thu hút các nguồn lực khác. Đây là nội dung chính của hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 diễn ra sáng 16-7.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; các bộ trưởng, đại diện cơ quan trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại các điểm cầu trên cả nước.

Tại điểm cầu thành phố Hà Nội, dự hội nghị trực tuyến có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản cùng lãnh đạo các sở, ngành.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm

Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hội nghị tập trung giải quyết cho được “3 cái đọng”: Không được để vốn đọng; không được để nợ đọng (hạng mục thi công xong, dự án hoàn thành nhưng không quyết toán); không để thủ tục đọng. Đây là nhiệm vụ chính trị 6 tháng cuối năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương... “Phải tìm cho ra nguyên nhân chủ quan là chính, không đổ cho khách quan, để chúng ta có tinh thần trách nhiệm trước nhân dân về sử dụng vốn đầu tư nhà nước trong sự phát triển của ngành, địa phương mình”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2020 của cả nước đạt 33,9% kế hoạch năm; tuy cao hơn cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Đáng chú ý, có 3 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%. Nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm là việc lập kế hoạch chưa sát thực tế, giao vốn chậm, lúng túng trong triển khai và thiếu quyết tâm.

Thông tin về kết quả thực hiện các dự án ODA, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: “Quá trình chuẩn bị cho dự án ODA diễn ra rất lâu, nhưng khi có dự án lại không thúc đẩy thực hiện. Trong những vướng mắc, phải nói đến giải phóng mặt bằng, không thể sử dụng nguồn vốn ODA để giải phóng mặt bằng do đây là nguồn tiền vay và phải trả nợ, nên các đơn vị có dự án phải chuẩn bị vốn đối ứng".

Từ góc độ địa phương có kết quả giải ngân thấp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng báo cáo, một số nguyên nhân được chính quyền chỉ ra là tổ chức tái định cư chậm vì thiếu phương án phù hợp; bị động, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; thiếu kiên quyết, e ngại trong đôn đốc nhà thầu.

Các đơn vị thi công tại công trình Dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - một trong những dự án đầu tư công của thành phố Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam

Các bộ, ngành, địa phương phải có chương trình hành động

Là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng chia sẻ, tỉnh đạt tỷ lệ giải ngân hơn 80% trong 6 tháng đầu năm 2020 là do sự chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nguồn vốn được giao sớm cho các dự án, nhưng cũng sẵn sàng điều chuyển ngay từ dự án chậm sang dự án có tiến độ nhanh. Tỉnh cũng thành lập 4 tổ công tác chuyên trách hỗ trợ các huyện tháo gỡ khó khăn, đốc thúc tiến độ dự án.

Tương tự, lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình... đều cho rằng, một trong những lý do giúp các tỉnh có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cao là nhờ cơ chế giao vốn một lần, tạo điều kiện để các tỉnh lên kế hoạch ngay từ đầu năm; hằng tháng, thậm chí hằng tuần tổ chức họp để nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết những vướng mắc của chủ đầu tư.

Để đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện dự án, lãnh đạo các bộ: Giao thông - Vận tải, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo…, kiến nghị cơ chế tăng cường thanh toán trước, kiểm soát sau. Các bộ cũng đề xuất có cơ chế nghiêm khắc với các chủ đầu tư trì trệ trong quá trình thực hiện dự án.

Sau khi nghe các bộ, ngành, địa phương báo cáo, kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, qua kiểm tra, công tác chuẩn bị dự án, chuẩn bị đầu tư còn yếu kém, nhiều bất cập; trong đó có việc chưa phân bổ gần 27.000 tỷ đồng vốn. Bên cạnh những địa phương làm tốt, còn nhiều địa phương, bộ, ngành chưa quyết tâm vào cuộc tháo gỡ khó khăn, bất cập.

Nhấn mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công không chỉ góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước mà còn giải quyết đời sống, thu nhập cho hàng triệu người, Thủ tướng nêu rõ, giải ngân vốn đầu tư công là một cứu cánh đối với dịch Covid-19, chứ không phải đầu tư công là nạn nhân của Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương cần có chương trình hành động cụ thể, mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong triển khai nhiệm vụ; phát động phong trào thi đua yêu nước trong giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư tư nhân, vốn FDI tại các ngành, địa phương. Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải báo cáo thường xuyên 2 tuần/lần về kết quả triển khai, đi đôi với kiên quyết xử lý cá nhân thiếu trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công. Từ đầu tháng 8-2020, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập danh sách điều chuyển vốn trình Chính phủ quyết định để ưu tiên cho các dự án cần vốn và có thể giải ngân được.

Tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng - một khâu yếu trong giải ngân vốn đầu tư, Thủ tướng chỉ đạo các bí thư, chủ tịch UBND tỉnh phải hỗ trợ cấp huyện, cấp xã trong đối thoại, tuyên truyền với người dân.

“Kết quả giải ngân phải gắn với thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá năng lực cán bộ và đi liền với đó là xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.