(HNM) - Trước những đòi hỏi từ thực tiễn quản lý và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh áp dụng các giải pháp giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến và đạt được những kết quả tích cực. Từ thành công này, việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường internet không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một yêu cầu tất yếu.
Với phương pháp đánh giá dựa trên mô hình chi phí chuẩn và được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát tại các doanh nghiệp ở 63 địa phương trên toàn quốc, báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) năm 2020 vừa được Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ công bố ngày 17-3-2021 cho thấy nhiều điểm đáng lưu ý, đó là, nhóm thủ tục hành chính có điểm APCI cao và những tiến bộ đáng kể qua các năm là nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin để xử lý trên môi trường điện tử.
Đứng đầu mức độ cải thiện là nhóm thủ tục hành chính về thuế với mức độ cải thiện tăng 5,6 điểm so với năm 2019. Theo khảo sát, đây là nhóm dẫn đầu với điểm số cao và mức phí tuân thủ thấp. Thành công đó có được nhờ vào việc áp dụng việc xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan thuế đã từng bước hoàn thiện mô hình thủ tục thuế điện tử và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính, giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân.
Hiện hầu hết doanh nghiệp đã kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử. Để thực hiện các thủ tục hành chính về thuế, trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ phải bỏ ra 3,8 giờ và 11,6 nghìn đồng chi phí trực tiếp. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trung gian trọn gói thấp, khoảng 5% với chi phí trung bình 500.000 đồng/thủ tục hành chính. Đây là những dấu hiệu tốt, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định, so sánh kết quả APCI trong 3 năm qua, kết quả năm 2020 tốt hơn hai năm trước, cho thấy quyết tâm trong cải cách hành chính của Chính phủ, từng bộ, ngành, địa phương. Kết quả điểm APCI năm 2020 tốt hơn là do phần lớn các nhóm thủ tục hành chính được các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương tham khảo, sử dụng ý kiến của người dân, doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả triển khai, nhất là về thuế.
Tuy nhiên, kết quả APCI năm 2020 cũng cho thấy, dư địa cải cách hành chính vẫn còn rất lớn. Cứ 100 doanh nghiệp thì có 52 doanh nghiệp thuê dịch vụ trọn gói các thủ tục liên quan đến môi trường, đặc biệt là thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tổng chi phí mỗi lần làm thủ tục hành chính về môi trường lên đến trên 63 triệu đồng. Nhóm có chi phí làm thủ tục hành chính cao tiếp theo là xây dựng, doanh nghiệp phải bỏ ra 21,2 giờ và 4,7 triệu đồng cho chi phí sao chụp, chứng thực hồ sơ, thẩm định, lệ phí cấp phép xây dựng và một phần chi phí không chính thức…
Việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để cải thiện, tiết kiệm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách, được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đặt lên hàng đầu.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, muốn giảm chi phí tuân thủ thì cũng cần phải chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm. Muốn làm điều này thì quản lý nhà nước thay vì đi bắt lỗi doanh nghiệp, nên chuyển sang cảnh báo để doanh nghiệp không mắc lỗi. Đơn cử việc quản lý an toàn thực phẩm là ví dụ. Việc thay đổi tư duy quản lý để doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng đã giúp tiết kiệm 3.700 tỷ đồng/năm.
5 khuyến nghị cải cách được đưa ra từ APCI năm 2020, đó là: Đẩy mạnh áp dụng chính phủ điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới phương thức, công bố, công khai thủ tục hành chính; nghiên cứu cải cách đột phá trong cung cấp dịch vụ hành chính; nâng cao hiệu quả của truyền thông chính sách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.