(HNM) - Nhận thức rõ tầm quan trọng của tài nguyên rừng đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, Hà Nội luôn chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn, thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt trong thời điểm nắng nóng, thời tiết cực đoan như hiện nay.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên, do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu nên công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng của Hà Nội gặp không ít khó khăn. Rừng của Hà Nội cũng đang phải gánh chịu rất nhiều thách thức như: Tốc độ đô thị hóa nhanh, ý thức bảo vệ phòng cháy, chữa cháy rừng của một bộ phận người dân tại các xã có rừng còn hạn chế nên còn hiện tượng chặt phá rừng, cháy rừng xảy ra tại một số địa phương.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 9 vụ cháy rừng nhỏ tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn... chủ yếu là cháy thực bì với diện tích hơn 9ha, không ảnh hưởng đến chất lượng rừng. Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm tăng cường lực lượng kiểm lâm có kinh nghiệm xuống cơ sở, bám sát những địa bàn trọng điểm...
Cụ thể, tại huyện Ba Vì, nơi chiếm 40% diện tích rừng và đất lâm nghiệp của thành phố Hà Nội, theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ba Vì Nguyễn Danh Sáu: Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ rừng được đẩy mạnh.
Anh Nguyễn Minh Tuấn ở thôn Ninh, xã Khánh Thượng chia sẻ: "Gia đình tôi chăn nuôi trâu, bò dưới tán rừng. Do đó, mọi người trong gia đình luôn tuân thủ nghiêm quy định về khai thác, phòng cháy, chữa cháy rừng...".
Tại huyện Sóc Sơn, một trong những điểm nóng về cháy rừng của Hà Nội, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, huyện đã gắn trách nhiệm của người trồng rừng, để 100% diện tích rừng có người trông coi, bảo vệ. Hiện, các xã đã thành lập đội xung kích bảo vệ phòng cháy, chữa cháy rừng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, từ cuối năm 2019 đến nay, Chi cục đã tổ chức 21 lớp tập huấn nghiệp vụ về kỹ thuật sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng cho cán bộ thôn bản, tổ, đội bảo vệ rừng với 1.050 lượt người tham gia; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến từng người dân, học sinh...
Ngoài ra, Chi cục còn phối hợp thành công các cuộc diễn tập chữa cháy rừng tại địa phương có diện tích rừng lớn như: Ba Vì, Sóc Sơn… qua đó, hoàn thiện phương án chữa cháy rừng, giúp lực lượng công an, quân sự, kiểm lâm và người dân tăng cường kỹ năng, hợp đồng tác chiến khi có cháy rừng xảy ra.
Về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có, ngay từ đầu năm 2020, Sở NN&PTNT chủ động tham mưu UBND thành phố xây dựng phương án phòng, chống cháy rừng; xây dựng hồ sơ, bản đồ trọng điểm về cháy rừng; quán triệt, gắn trách nhiệm cụ thể trong quản lý, bảo vệ rừng đối với chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các chủ rừng.
Như Báo Hànộimới đã đưa tin, chiều 8-6, trên địa bàn huyện Sóc Sơn xảy ra cháy rừng tại lô 3+4, khoảnh 21 thuộc xã Tiên Dược; diện tích cháy khoảng 2,5ha rừng phòng hộ gồm các loại cây: Thông, keo, bạch đàn... Ngày 9-6, lực lượng chức năng đã dập tắt đám cháy, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia chữa cháy. Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã yêu cầu Hạt kiểm lâm Sóc Sơn phối hợp với cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân, đối tượng gây ra vụ cháy rừng nêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.