Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh cổ phần hóa, tăng khả năng cạnh tranh

Hương Ly (thực hiện)| 11/08/2010 07:02

(HNM)- Những yếu kém, sai phạm của một số tập đoàn (TĐ), tổng công ty nhà nước (TCTNN) bộc lộ thời gian qua cho thấy, việc tái cơ cấu các đơn vị này nhằm bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước là vấn đề bức thiết hiện nay.


Trao đổi với PV Báo Hànộimới, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, những đặc quyền, đặc lợi mà các TĐ, TCTNN được hưởng từ "bầu sữa" ngân sách thời gian qua đã khiến các đơn vị này ngày càng tụt hậu và mất dần khả năng cạnh tranh trên thương trường.


Sàng tuyển, bốc rót, tiêu thụ than tại Công ty Tuyển than Cửa Ông (Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam).      Ảnh:  TTXVN

- Những báo cáo được công bố gần đây cho thấy, nhiều TĐ, TCTNN đang thua lỗ, thậm chí bên bờ phá sản. Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

- Tình trạng thua lỗ của các TĐ, TCTNN hiện nay có khởi nguồn từ môi trường kinh doanh không thuận lợi do cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra. Những TĐ, TCTNN vốn không “khỏe” đã sớm lộ rõ những nhược điểm tồn tại từ nhiều năm nay. Tình trạng thua lỗ còn bắt nguồn từ việc các DN nhà nước (DNNN) chưa có được độ nhạy bén với thị trường. Với quy mô cồng kềnh, quyền uy quá lớn và được tổ chức trong một hệ thống mang tính chất hành chính, các DNNN thường chống chọi kém với thử thách và ít tỏ ra lo sợ trước khó khăn. Thêm vào đó, người quản lý các TĐ, TCT thường được bầu theo kiểu hành chính, nên họ không phải là một nhà kinh doanh chuyên nghiệp. Người đại diện quản lý một phần vốn lớn của Nhà nước ở các TĐ, TCT lại không sở hữu phần vốn này, không chịu sự kiểm soát của chủ nguồn vốn, bởi chủ thực sự vốn ngân sách là Nhà nước, mà Nhà nước không phải là một cá nhân cụ thể. Điều này đã khiến tình trạng thiếu trách nhiệm trong quản lý tài sản nhà nước diễn ra khá phổ biến. Thêm vào đó, do được hưởng vị thế độc quyền quá lâu và thành công không phải do năng lực của mình, các TĐ, TCT có thể thất bại trong cơ chế thị trường, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

- Vậy những đặc quyền, đặc lợi mà các TĐ, TCTNN được hưởng đã dẫn đến những thất bại của họ?

- Thực tế đã chứng minh quan điểm này, bởi tình trạng lãnh đạo các TĐ, TCT NN quản lý yếu kém, không thích nghi được với cơ chế thị trường phần lớn là do họ được hưởng nhiều đặc quyền và ỷ lại quá nhiều vào sự chiều chuộng của Nhà nước. Trên thực tế, DN nào nắm bắt nhanh, có khả năng thích ứng tốt sẽ thành công, ngược lại sẽ thất bại và bị đào thải. Với các DNNN, họ không có nhiều động cơ để vươn lên nắm bắt thị trường, bởi họ được hưởng những đặc quyền mà DN tư nhân không có. Như vậy, dù là “người khổng lồ”, các TĐ, TCTNN vẫn dễ thất bại trong cơ chế thị trường.

Cá nhân tôi cho rằng một người có hoàn cảnh eo hẹp thường biết cách tiêu tiền hiệu quả, trong khi các “đại gia” sở hữu nhiều tiền và được nuông chiều quá mức lại không có được điều này. Được ưu ái, không phải cạnh tranh, các TĐ, TCTNN sẽ dần yếu đi và nguy cơ đổ vỡ sẽ xuất hiện. Bên cạnh đó, việc trao quyền giám sát quản lý một khối lượng lớn vốn Nhà nước cho một tổ chức nào đó theo tôi chưa phải là giải pháp lâu dài để bảo toàn hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại các DN. Bởi khó có một bộ óc vĩ đại nào có thể kiểm soát hiệu quả cùng lúc hàng trăm TCT với một lượng vốn nhà nước khổng lồ.

- Chúng ta cần làm gì để quản lý có hiệu quả các TĐ, TCTNN với số vốn cực lớn như hiện nay?

- Việc quản lý tốt, hiệu quả nguồn vốn ngân sách là nhiệm vụ hết sức khó khăn vì trên thực tế, không quốc gia nào dám khẳng định đã kiểm soát hiệu quả nguồn vốn này. Tuy nhiên, để thực hiện kỳ vọng này, chúng ta cần đẩy mạnh tiến trình CPH các DN, kể các DNNN có quy mô lớn. Để tăng khả năng kiểm soát vốn ngân sách, trước hết phải nghiêm túc trong việc minh bạch tài chính và quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng hơn. Tiếp đó, cần thực hiện cải cách hệ thống quản trị DN và dần đưa đến mô hình quản lý DNNN với quy chế thưởng, phạt nghiêm minh và tương xứng hiệu quả công việc.

- Sau những yếu kém của TĐ, TCTNN bộc lộ, vấn đề tái cơ cấu những đơn vị này một lần nữa lại được dư luận quan tâm. Vậy chúng ta cần làm gì để vực dậy các TĐ, TCTNN đang rơi vào tình trạng thua lỗ?

Việc đầu tiên cần làm là đưa các TĐ, TCTNN về với quỹ đạo thị trường, tuân thủ tín hiệu thị trường và hoạt động bình đẳng như các DN khác. Những đặc lợi, đặc quyền về vốn, đất đai, chính sách… dành cho TĐ, TCT nên thu hẹp dần. Tiếp đó, cần tổ chức hệ thống quản trị với sự minh bạch thông tin thực sự chứ không phải trên giấy. Một TĐ, TCT muốn lành mạnh chỉ nên hoạt động kinh doanh và giảm dần nhiệm vụ điều tiết vĩ mô. Nhà nước có thể nắm phần vốn chủ lực ở mô hình này, nhưng nên dần rút ra khi các cổ đông khác đã vững mạnh, trừ một số lĩnh vực đặc thù. Sau khi CPH, trách nhiệm của lãnh đạo DN rất rõ ràng, qua đó hiệu quả kinh doanh của DN sẽ được nâng lên. Về lâu dài việc CPH vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh, kể cả ở những DNNN rất lớn. Quan trọng hơn cả là việc tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh để các DNNN tự khẳng định năng lực và đứng vững trên thương trường.

- Xin cảm ơn ông!

- Theo báo cáo do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố đầu tháng 8 vừa qua, có 10 TCTNN đầu tư ra ngoài ngành với số vốn từ vài chục tới hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, TCT Lương thực miền Nam đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm 26,8 tỷ đồng; đầu tư vào ngân hàng Vietcombank và một số đơn vị khác: 95 tỷ đồng. Văn phòng TCT Lâm nghiệp góp 80 tỷ đồng vào công ty CP Chứng khoán Bảo Việt. Doanh nghiệp SASCO, thuộc TCT Hàng không miền Nam đầu tư vào các tổ chức tín dụng 300 tỷ đồng. TCT Bến Thành đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng trên 243 tỷ đồng…
- Theo nhận định của KTNN, quản lý tài chính ở nhiều TCT còn yếu kém. Năm 2008, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của TCT Xây dựng công trình giao thông 6 là 30,53 lần; TCT Xây dựng Công nghiệp Việt Nam: 16,47 lần; TCT Cơ khí Xây dựng: trên 7 lần… Một số đơn vị đang rơi vào tình trạng thua lỗ khá lớn, như: TCT Cơ khí Xây dựng lỗ lũy kế đến 31-12-2008 là 39 tỷ đồng; TCT Công trình giao thông 6 lỗ gần 68 tỷ đồng, lỗ lũy kế 149 tỷ đồng; TCT Cà phê báo cáo lãi 199 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế 525 tỷ đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh cổ phần hóa, tăng khả năng cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.