Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp

Diệu Hương| 20/07/2012 06:50

(HNM) - Phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, việc ứng dụng cơ giới đồng bộ vào sản xuất và dồn điền đổi thửa được coi là bước quyết định tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. Thời gian qua, huyện Phú Xuyên đã thực hiện khá hiệu quả hai nhiệm vụ này.

Huyện Phú Xuyên đã thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa mang lại năng suất lúa cao. Ảnh: Bá Hoạt

Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng thẳng cánh cò bay, lúa xanh đều tăm tắp ở thôn Đồng Vinh, xã Chuyên Mỹ, Phó Chủ tịch huyện Phú Xuyên Nguyễn Đình Chiêu cho hay, toàn bộ cánh đồng Trạm Bơm được cấy bằng máy, gieo mạ bằng khay và đây là năm đầu tiên Chuyên Mỹ thí điểm phương pháp này trên diện tích 15,5ha. Với một máy cấy lúa một ngày làm 8 giờ được khoảng 1ha, bằng 25-30 người vừa cấy vừa nhổ mạ. Việc sử dụng máy cấy tạo sự đồng đều trong quần thể ruộng lúa, phát huy được hiệu ứng hàng biên nên năng suất sẽ tăng lên, ruộng thông thoáng, cũng giảm thiểu sâu bệnh.

Từ mô hình thí điểm gieo mạ bằng khay và cấy lúa bằng máy vụ xuân 2012 tại xã Đại Thắng, vụ mùa năm nay, Phú Xuyên triển khai nhân rộng ra 8 xã với diện tích hơn 100ha. Để tạo đà cho những năm tiếp theo, huyện vừa phê duyệt đề án cơ giới hóa trong khâu gieo cấy, đây là mắt xích quan trọng, nhân tố khép kín khâu sản xuất lúa. Phú Xuyên phấn đấu đến năm 2014 có 60% diện tích gieo mạ trên khay, cấy bằng máy hơn 5.000ha. Dự tính trong hai năm (2013-2014), huyện sẽ huy động các nguồn lực đầu tư hỗ trợ nông dân mua khoảng 450 máy cấy phục vụ sản xuất.

Thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất thì việc dồn điền đổi thửa, nâng cao chất lượng hệ thống tưới tiêu, giao thông, thủy lợi nội đồng là những nhân tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, huyện Phú Xuyên đã dồn đổi được 6.800ha/10.500ha của khoảng 3 vạn hộ dân, đạt 66% diện tích đất nông nghiệp, mỗi hộ gia đình bây giờ chỉ sử dụng 1-2 thửa ruộng, diện tích đất canh tác còn lại, huyện quyết tâm dồn đổi trong năm nay. Đồng thời, xây dựng đồng bộ hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng tạo điều kiện dễ dàng cho tưới tiêu và vận hành của phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất. Nếu thực hiện thành công chủ trương này, diện tích đất sản xuất của từng hộ được phân định bằng chăng dây hoặc cắm cọc mốc giới, chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn và từ đây, việc hướng tới cánh đồng mẫu lớn cũng nhanh hơn, góp phần tăng thu nhập cho nông dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.