(HNM) - Thường Tín là huyện có tốc độ phát triển nhanh và mạnh nhất trong các huyện khu vực phía nam thành phố, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Huyện Thường Tín coi việc xây dựng nông thôn mới (NTM) là tiền đề quan trọng để hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Bức tranh kinh tế đa màu sắc
Chăm sóc rau an toàn tại xã Hà Hồi, huyện Thường Tín. Ảnh: Bá Hoạt
Là huyện có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, nhiều cụm, điểm công nghiệp đã hình thành, nên diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn tăng nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo mô hình trang trại hiệu quả. Ông Lưu Văn Phúc, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín cho biết: Trong phát triển nông nghiệp, huyện đã quy hoạch 3 vùng chuyên canh hiệu quả: chuyển đổi 1.200ha đất ở vùng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại VAC kết hợp với trồng cây vụ đông; quy hoạch 800ha vùng trồng lúa chất lượng cao và khoảng 400ha chuyên trồng các loại cây rau màu vùng bãi.
Nhằm nâng cao mức sống của người dân, Huyện ủy lãnh đạo các cơ sở kết hợp hài hòa giữa phát triển nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Hiện nay, huyện có 126 làng có nghề trong đó có 46 làng được công nhận làng nghề cấp thành phố. Lãnh đạo huyện xác định để xây dựng thành công NTM nhất thiết phải kết hợp phát triển dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, vì vậy phát triển làng nghề được huyện quan tâm đẩy mạnh. Hiện nay, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng của huyện đã đạt 50%, thương mại - dịch vụ đạt 32%. Sản xuất, kinh doanh của các làng nghề ổn định, phát triển. Các cụm, điểm công nghiệp làng nghề được quan tâm xây dựng tạo điều kiện các hộ dân phát triển sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư. Trong 5 năm qua, đã có 109 doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn huyện, 364 hộ sản xuất, kinh doanh tại các cụm, điểm công nghiệp với tổng nguồn vốn đăng ký là 5.552 tỷ đồng. Đây là tiền đề quan trọng để Thường Tín triển khai chương trình xây dựng NTM trên địa bàn.
Tập trung phát triển làng nghề
Theo lãnh đạo huyện, tuy kinh tế của huyện đã có bước tăng trưởng khá, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Mặc dù đã có nhiều làng nghề nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, chưa có những doanh nghiệp lớn và sản phẩm chủ lực cho giá trị xuất khẩu cao, đó là chưa kể đến những hạn chế về ô nhiễm môi trường làng nghề đặt ra cho các địa phương trong xây dựng NTM. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp của huyện còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo được vùng sản xuất hàng hóa tập trung nên đời sống kinh tế của người dân chưa đồng đều, một số nơi thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với tiêu chí.
Ông Nguyễn Tiến, Chủ tịch UBND xã Nhị Khê, xã được chọn thí điểm xây dựng NTM của huyện Thường Tín cho biết: Mặc dù đời sống của người dân trong xã đã được cải thiện bởi có nhiều nghề truyền thống phát triển như làm bánh dày, tiện gỗ (hiện nay số hộ làm nghề ở xã chiếm 90%, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/ngày, nhưng nghề thủ công ở xã phát triển còn chậm bởi "đầu ra" không ổn định. Sản xuất của các hộ phần lớn còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa xây dựng được thương hiệu, mối liên kết, tương trợ để cùng nhau phát triển…
Để giải quyết vấn đề này, UBND huyện Thường Tín đã quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề quy mô từ 25-30ha để giúp các hộ mở rộng sản xuất, giải quyết ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp khó khăn về vốn, thu hút đầu tư, thủ tục hành chính…
Ông Lưu Văn Phúc cho rằng, để xây dựng thành công NTM trên địa bàn, nhất thiết phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp. Ngoài củng cố các cụm công nghiệp làng nghề đã hình thành như Vạn Điểm, Duyên Thái, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề xã Tiền Phong, Nhị Khê… tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó là nâng giá trị sản xuất đất canh tác đạt thấp nhất là 50 triệu đồng/ha/năm; phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân đạt 25 triệu đồng/người/năm. Trong quá trình phát triển, huyện chú trọng công tác quy hoạch chi tiết các xã, quy hoạch ngành và bảo đảm thực hiện theo đúng quy hoạch. Hiện nay, huyện đã chỉ đạo nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung chuyên canh, nông nghiệp sạch có quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao. Mặt khác, huyện cũng quy hoạch các điểm chứa rác hỗ trợ kinh phí cho các thôn, cụm dân cư tổ chức thu gom rác, xây dựng địa điểm chứa, xử lý rác theo công nghệ tiên tiến để bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.