(HNM) - Hà Nội xác định năm 2013 là "Năm kỷ cương hành chính". Theo đó, thành phố sẽ tập trung tạo bước chuyển mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); tăng cường tính công khai, minh bạch; nâng cao chất lượng phục vụ của cơ chế "một cửa, một cửa liên thông"… Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng về các vấn đề này.
Chọn cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm
- Liên tục những năm gần đây Hà Nội chọn công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá, ông có thể cho biết những kết quả nổi bật mà Hà Nội đã đạt được trong công tác này?
- Công tác CCHC của Hà Nội những năm gần đây đã được tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các nội dung CCHC và đã có sự chuyển biến tích cực như nhiều quận, huyện, thị xã đã thành lập mới, kiện toàn Ban chỉ đạo CCHC; công tác thanh tra, kiểm tra CCHC được tăng cường, mang tính chuyên sâu; qua thanh tra, kiểm tra, các đơn vị đã có biện pháp khắc phục những tồn tại, khuyết điểm. Đặc biệt, Hà Nội đã thực hiện tốt việc rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC). UBND TP Hà Nội đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 175 TTHC. Tổng số TTHC hiện công khai trên Cổng giao tiếp điện tử điện là 2.335 thủ tục, trong đó 1.897 TTHC của sở, ban, ngành (gồm cả các cơ quan hiệp quản), 281 TTHC của khối quận, huyện, thị xã và 157 TTHC của khối phường, xã, thị trấn. Nhiều đơn vị đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2, mức độ 3...
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng. |
- Hà Nội được trung ương đánh giá là một trong những địa phương có cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả trong công tác CCHC. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác CCHC, Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện một số nội dung mang tính đột phá như: Tăng cường đào tạo nâng cao phẩm chất, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp hành chính, nhất là đối với CBCCVC làm việc tại bộ phận "một cửa"; tổ chức điều tra xã hội học về ý thức, thái độ phục vụ của CBCCVC; xây dựng, hoàn thiện và cài đặt phần mềm ứng dụng dùng chung đối với cấp huyện, cấp xã, thực hiện đề án xây dựng mô hình khung "cơ quan điện tử" nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước và phục vụ các tổ chức, công dân tốt hơn.
- Những kết quả Hà Nội đạt được trong công tác CCHC đã mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, có một thực tế là đã nhiều năm triển khai thực hiện "cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông", song không ít đơn vị phường, xã vẫn còn lúng túng?
- TP Hà Nội đã chỉ đạo việc thực hiện bộ phận "một cửa", tuy nhiên có một số văn bản của trung ương vẫn chồng chéo, chưa thống nhất, do vậy, nhiều đơn vị vẫn vướng mắc khi triển khai. Bên cạnh đó, không ít đơn vị rơi vào tình trạng "bất khả kháng" trong việc đáp ứng đủ yêu cầu về diện tích và cơ sở vật chất. Cũng phải nói tới thực tế vẫn còn một số đơn vị thực hiện "một cửa" còn hình thức, chưa công khai đầy đủ, chưa bố trí đủ cán bộ công chức chuyên trách; việc trả hồ sơ còn sai hẹn. Năm 2013, TP Hà Nội sẽ đôn đốc các đơn vị lắp đặt camera tại bộ phận "một cửa", hoàn thiện quy trình liên thông của các thủ tục liên quan đến các lĩnh vực "nóng" như: quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, LĐTB&XH; đồng thời, sẽ quan tâm bố trí đủ người có năng lực làm ở bộ phận "một cửa" và thành phố sẽ hỗ trợ chế độ phụ cấp để cán bộ "một cửa" yên tâm làm việc.
Khơi dậy tâm huyết trong thực thi công việc
- Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân cơ bản của những hạn chế trong công tác CCHC là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện CCHC ở một số đơn vị chưa tốt, nhận thức của một bộ phận CBCC còn chưa đầy đủ về công tác CCHC, quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
- Đúng là một trong những nguyên nhân của hạn chế trong công tác CCHC là do nhận thức của một bộ phận CBCC còn chưa đầy đủ về công tác CCHC. Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự vào cuộc, chưa chỉ đạo quyết liệt, thậm chí có nơi còn khoán trắng cho cấp phó hoặc bộ phận chuyên môn.
- Việc bồi dưỡng công tác CCHC cho CBCCVC đã được hầu hết các sở, ngành, quận, huyện thành phố triển khai, song các đoàn kiểm tra đột xuất của TP Hà Nội vẫn phát hiện không ít trường hợp thực hiện sai quy định, trả chậm hồ sơ hành chính. Phải chăng việc bồi dưỡng chưa thực sự đem lại hiệu quả?
- Báo cáo thống kê từ các lĩnh vực cho thấy việc trả chậm hồ sơ hành chính không nhiều nhưng ở bên ngoài, đâu đó người dân vẫn kêu về trách nhiệm không cao của người giải quyết công việc. Tôi cho rằng việc này có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do cơ chế chính sách ở một số lĩnh vực, công việc chưa rõ, chưa đồng bộ và chưa đầy đủ. Nguyên nhân chủ quan là ở tinh thần trách nhiệm của người thực thi nhiệm vụ. Nếu như cán bộ tận tình hướng dẫn chi tiết có thể sẽ giúp tổ chức, công dân thực hiện thủ tục nhanh hơn. Tinh thần trách nhiệm còn thể hiện trong quá trình làm việc, nếu phát hiện vướng mắc trong cơ chế chung thì phải đề xuất những giải pháp để cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách phù hợp. Đó chính là tâm huyết, trách nhiệm, sự trăn trở với công việc.
- Dường như số cán bộ "trăn trở" như vậy chưa nhiều?
- Cái khó là chưa có một cơ chế để đánh giá việc này. Tâm huyết, trách nhiệm và có sự trăn trở với công việc hay không, không phải lúc nào cũng biểu hiện ra trong quá trình người công chức thực thi công vụ nên lãnh đạo cơ quan chuyên môn nhiều khi cũng không bắt bẻ được việc đó. Và đó chính là điều khó nhất trong đánh giá cán bộ. Cán bộ thực thi nhiệm vụ là người dễ phát hiện vướng mắc nhất và thực tế đã cho thấy có nhiều đề xuất của cán bộ giúp tháo gỡ được nhiều vướng mắc về thu hút đầu tư, đất đai, GPMB… Do đó, ngành nội vụ đang muốn khơi dậy tâm huyết làm việc trong mỗi cán bộ, trong đó, việc tiếp dân niềm nở cũng là một khía cạnh. Tất nhiên, để thực hiện hiệu quả thì người lãnh đạo đơn vị phải yêu cầu cán bộ, nhân viên thường xuyên báo cáo những vướng mắc trong công việc.
Nâng cao chất lượng phục vụ
- Năm 2012 là năm đầu tiên Sở Nội vụ Hà Nội phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức điều tra xã hội học để đánh giá, nhận xét về năng lực, trách nhiệm, thái độ phục vụ của CBCCVC trong thực hiện giải quyết TTHC. Kết quả, chỉ có khoảng ½ số người dân được hỏi hài lòng về việc giải quyết TTHC. Ông đánh giá thế nào về điều này?
- Thực hiện Chương trình 08/CTr-TU về việc: "Đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ CBCC giai đoạn 2011-2015" của Thành ủy Hà Nội, năm 2012 là năm đầu tiên Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức điều tra xã hội học theo 2 đợt. Đợt 1 (thực hiện trong tháng 7-2012): Đánh giá sự hài lòng của người dân trong quá trình giải quyết TTHC. Kết quả khảo sát thu được là: Việc thực hiện niêm yết công khai, minh bạch các TTHC được đánh giá cao, đạt trên 80%; về quá trình giải quyết TTHC, có 88,6% ý kiến cho rằng giải quyết TTHC đúng hẹn; 87,6% ý kiến ghi nhận khả năng tiếp nhận hồ sơ nhanh, không sai sót; về năng lực, trình độ của đội ngũ CBCC có tới 93% ý kiến cho rằng đã nắm vững về quy trình, nghiệp vụ. Tuy nhiên mức độ hài lòng của người dân khi giải quyết TTHC chỉ đạt 53,3%, đây là một kết quả chưa cao, song nếu so sánh với mức độ hài lòng của cuộc điều tra do sở được thực hiện năm 2007 (mức độ hài lòng chỉ là 17,4%) thì đây là kết quả tích cực đạt được trong quá trình thực hiện cải cách TTHC những năm qua. Đợt 2 của cuộc điều tra xã hội học này đang được thực hiện, tập trung vào thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ của CBCCVC trong thực hiện giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc TP Hà Nội.
- Đề án "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của hệ thống cơ quan hành chính TP Hà Nội, giai đoạn 2012-2016 của UBND TP Hà Nội đề ra chỉ tiêu đến năm 2015 sẽ có 80% công chức cấp xã có trình độ đại học, phù hợp với chức danh đảm nhiệm. Chỉ tiêu đó có khả thi không khi ở thời điểm hiện tại, năng lực, trình độ của đội ngũ CBCC cấp xã còn chưa đồng đều, có nhiều nơi còn yếu?
- Hiện tại Sở Nội vụ cũng đang nỗ lực chuẩn bị các công việc cần thiết, cùng các đơn vị phấn đấu để TP Hà Nội đạt chỉ tiêu đó. Thuận lợi là hiện nay thành phố cũng đang triển khai Đề án tuyển dụng 1.000 công chức nguồn cho các cơ quan hành chính, bảo đảm đội ngũ công chức nguồn có chất lượng đầu vào cao hơn số được tuyển dụng thường xuyên. Sau khi tuyển và đào tạo nội dung theo chương trình phù hợp, sẽ đưa về xã, phường, thị trấn công tác để tiếp tục học tập kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn. Theo kế hoạch, năm 2013 TP Hà Nội tổ chức tuyển 500 người, năm 2014 tuyển 500 người.
- Công nghệ thông tin vốn không thể thiếu trong công tác CCHC, Hà Nội sẽ làm gì để ứng dụng CNTT một cách hiệu quả vào giải quyết TTHC?
- Việc ứng dụng CNTT trong CCHC được Hà Nội hết sức coi trọng. TP Hà Nội đã có kế hoạch trong giai đoạn 2012-2015 sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng CBCC về ứng dụng CNTT; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai mô hình cơ quan điện tử các cấp, trong đó thực hiện 40% là sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và 10% UBND cấp xã. TP Hà Nội sẽ triển khai và duy trì các ứng dụng phần mềm dùng chung của thành phố, ưu tiên xây dựng, triển khai một số phần mềm dùng chung: đăng ký và quản lý hộ tịch; cấp phiếu lý lịch tư pháp; đăng ký kinh doanh cấp huyện; tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC... Đặc biệt, TP Hà Nội đang triển khai thực hiện thí điểm xây dựng mô hình khung "cơ quan điện tử" tại các quận, huyện Long Biên, Tây Hồ, Từ Liêm, Thạch Thất, Chương Mỹ và 62 đơn vị điểm các xã, phường, thị trấn về CCHC để nhân rộng ra toàn thành phố, tiến tới xây dựng "chính quyền điện tử".
- Cùng với việc xây dựng "cơ quan điện tử" cũng cần có "con người điện tử", thưa ông?
- Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng cho CBCC trực tiếp thực thi công vụ, vừa qua TP Hà Nội đã mở lớp bồi dưỡng và yêu cầu các lãnh đạo trưởng phó các sở, các ban đảng, chánh, phó văn phòng đi học lớp bồi dưỡng 5 tuần để thực hiện được vận hành khai thác các nội dung của CNTT như: gửi, nhận email, duyệt văn bản, giám sát công việc… Chủ trương của thành phố là năm 2013 sẽ chú trọng vào việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính. Do đó, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng từ lãnh đạo cho tới nhân viên các đơn vị cần có ý thức tìm hiểu; đồng thời, có kế hoạch tuyên truyền, phổ cập đến người dân để họ biết và sử dụng. Như vậy, hiệu quả của việc ứng dụng cơ quan điện tử mới đi vào cuộc sống.
- Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số CCHC, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thì đến quý II-2013, Bộ Nội vụ sẽ công bố được chỉ số CCHC năm 2012 của các bộ và địa phương. Sở Nội vụ sẽ triển khai như thế nào để thực hiện bộ chỉ số CCHC một cách thực chất, hiệu quả?
- Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ, ngay trong quý I-2013 Sở Nội vụ Hà Nội sẽ tham mưu cho UBND TP triển khai thực hiện Chỉ số CCHC đối với các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã. Vì một nền hành chính minh bạch, hiệu quả, Hà Nội sẽ cố gắng triển khai một cách hiệu quả nhất. Ngay trong năm 2012, Sở Nội vụ Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị thực hiện báo cáo công tác CCHC năm 2012 bằng bảng biểu dựa trên khung của bộ chỉ số CCHC của Bộ Nội vụ nên khi áp dụng chính thức các đơn vị sẽ không bị bỡ ngỡ.
- Năm 2013 được TP Hà Nội xác định là "Năm kỷ cương hành chính". Sở Nội vụ sẽ làm gì để thực hiện hiệu quả vấn đề này?
- TP Hà Nội sẽ tăng cường thanh tra công vụ. Hiện UBND TP giao Sở Nội vụ nghiên cứu thành lập một bộ phận thường trực của các cuộc thanh tra để khi có việc cần là đi ngay. Sở đang nghiên cứu cơ chế, thẩm quyền cũng như cán bộ có năng lực để hoạt động hiệu quả. Sở cũng đã được thành phố giao xây dựng chế tài xử lý những vi phạm đối với người đứng đầu và công chức ở các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn trong thực thi nhiệm vụ theo chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao ở một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, thanh tra công vụ sẽ được tăng cường; kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm khắc các trường hợp vi phạm và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả CCHC và những đánh giá của tổ chức, công dân về chất lượng phục vụ của cơ quan, đơn vị mình.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.