(HNMO) - Để góp phần bình ổn thị trường trong nước từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đang yêu cầu các đơn vị trong ngành cần tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa; phối hợp với Liên minh Hợp tác xã trong việc tiêu thụ hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp.
(HNMO) - Để góp phần bình ổn thị trường trong nước từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đang yêu cầu các đơn vị trong ngành cần tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa; phối hợp với Liên minh Hợp tác xã trong việc tiêu thụ hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý thị trường phối hợp với các Sở Công Thương và các địa phương tăng cường công tác kiểm soát thị trường, đảm bảo cung ứng tốt những mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép, giấy in, xi măng, gạo, dược phẩm...; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại; niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường.
Những thông tin trên đã được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đưa ra trong cuộc họp giao ban trực tuyến công tác tháng 8 sáng nay (
Tham dự cuộc họp giao ban trực tuyến có lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, Cơ quan đại diện của Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh, đại diện một số Sở Công Thương và đại diện các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty trực thuộc Bộ.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8/2010 ước đạt 69,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng 7/2010 và tăng 15,2% so với tháng 8/2009. Tính chung 8 tháng ước đạt 504,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ.
Tháng 8/2010, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 6,0 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng 7/2010, nếu loại trừ yếu tố xuất khẩu vàng, kim ngạch xuất khẩu giảm 1,9%. Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44,5 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố xuất khẩu vàng, kim ngạch xuất khẩu tăng 24,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) tăng 5,89 tỷ USD so với cùng kỳ trong khi kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng 7,34 tỷ USD cho thấy sự đóng góp rất lớn của khu vực này vào tăng trưởng xuất khẩu của cả nước.
Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 8/2010 ước đạt 6,9 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng 7/2010. Tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 52,68 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ.
Tháng 8/2010, sức mua trên thị trường hàng hoá vẫn ổn định, cung cầu hàng hoá tiếp tục được đảm bảo. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai rộng khắp và có hiệu quả rõ rệt, hàng hóa trong nước sản xuất được chiếm thị phần khá lớn trên thị trường do đã nâng cao được tính cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả, bắt kịp thị hiếu người tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội ước đạt 131 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng 7/2010; tính chung 8 tháng ước đạt 1.009 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp giao ban tháng 8/2010, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty tiếp tục khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, các đơn vị cần chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.
Bộ trưởng cũng yêu cầu đối với các đơn vị thuộc Bộ là chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước, cần nghiêm túc quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư. Mặt khác, các chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm, nhất là các công trình nguồn điện, lưới điện, khắc phục nhanh sự cố các nhà máy nhiệt điện để sớm huy động trở lại.
Mặt khác, Bộ trưởng nhấn mạnh, các đơn vị thuộc Bộ cần tăng cường các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản xuất, xuất nhập khẩu và hợp tác quốc tế. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm các thị trường tiềm năng mới, cân đối nhu cầu nhập khẩu của đơn vị để cùng với cả nước kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.