Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy lùi hiểm họa từ pháo

Tư Đô| 07/01/2015 06:22

(HNM) - Thời gian qua, nạn buôn bán, vận chuyển pháo không những không giảm mà có biểu hiện phức tạp hơn.



Trên địa bàn Hà Nội, cơ quan công an (CA) liên tiếp phát hiện các vụ vận chuyển pháo số lượng rất lớn: Đêm 29-10-2014, CA huyện Gia Lâm phát hiện 2 xe ô tô BKS 51C-359.01 và 30F-4359 dừng đỗ trên quốc lộ 23B (đoạn qua xã Nam Hồng, Đông Anh) có biểu hiện nghi vấn, nên đã kiểm tra. Xe 51C-0359.01 có dạng chở hàng tươi sống nhưng khám xét thấy 3 tấn pháo, trị giá gần 500 triệu đồng, ngụy trang dưới lớp rau củ. Ngày 14-12-2014, CA quận Hoàng Mai làm nhiệm vụ tại khu vực sân ga Giáp Bát, phát hiện lô hàng hóa đang tập kết có biểu hiện nghi vấn nên kiểm tra hành chính. Qua kiểm tra, CA phát hiện 23 thùng chứa pháo điện trang trí có điều khiển phát nổ từ xa do Trung Quốc sản xuất, trong đó, 3 thùng chứa 36 hộp loại dây dài 1,6m, 20 thùng chứa 240 hộp, loại dây dài 1,5m…

Công an huyện Đông Anh thu giữ pháo vận chuyển trái phép.


Ngoài địa bàn Hà Nội, các vụ buôn bán, vận chuyển, thậm chí sản xuất pháo được các lực lượng chức năng phát hiện liên tục, với quy mô ngày càng lớn. Đặc biệt là khu vực vùng biên và một số tỉnh miền Trung, hoạt động vi phạm liên quan đến pháo ngày càng có biểu hiện nhức nhối, có lúc công khai. Như vụ việc cuối năm 2014, CATP Vinh (tỉnh Nghệ An) tạm giữ hình sự để điều tra hành vi chế tạo trái phép vật liệu nổ đối với Nguyễn Hải Triều (SN 1997) và Nguyễn Đình Mãi (SN 1996, cùng trú tại xã Nghi Ân, TP Vinh) khi hai đối tượng này tìm cách chế tạo pháo nổ. Gần đây nhất, rạng sáng 1-1, CA tỉnh Thanh Hóa bắt giữ vụ vận chuyển 2.500 quả pháo dạng bi, là loại pháo khá mới...

Tuy nhiên, qua các vụ việc được phát hiện, cơ quan chức năng cho biết việc xử lý còn gặp khó khăn, khó truy nguồn gốc để xử lý đầy đủ. Khi bị bắt giữ, các chủ hàng đều khai mua gom của những đối tượng không quen biết ở địa bàn khác nên cơ quan CA không làm rõ được hành vi, không triệt xóa tận gốc các ổ nhóm cung cấp pháo. Vì vậy, thống kê về tình hình buôn bán, vận chuyển pháo cũng không thật đầy đủ, chính xác, khó cho việc đánh giá tình hình, có biện pháp xử lý hữu hiệu. Mặt khác, ngoài các cơ quan chức năng có nhiệm vụ phát hiện, bắt giữ xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển pháo trái phép, việc hạn chế để không còn "cầu" về pháo chưa được quan tâm đúng mức. Đó là trách nhiệm thuộc về hệ thống chính trị và cơ quan chức năng ở cơ sở. Việc tuyên truyền về tác hại của pháo, các biện pháp xử lý vi phạm về pháo chưa được tổ chức bài bản, nhiều nơi còn rất hình thức. Trong dịp Tết, chính quyền, cơ quan chức năng nhiều địa phương có biểu hiện buông lỏng giám sát, để cho việc đốt pháo có nơi xảy ra công khai, sau đó lại không quy được trách nhiệm để xử lý.

Thực tế, chỉ thị về việc cấm sử dụng pháo đã đạt được sự đồng thuận khá cao của toàn xã hội. Nhưng đây đó vẫn còn vi phạm về sử dụng pháo, chủ yếu do ý thức kém. Vì vậy, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của mỗi cá nhân gắn với xử lý nghiêm minh hành vi sử dụng pháo phải là gốc rễ. Khi có sự vào cuộc trách nhiệm đồng bộ của hệ thống chính trị ở cơ sở và lực lượng chức năng thì các hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển và sử dụng pháo mới được đẩy lùi hoàn toàn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy lùi hiểm họa từ pháo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.