(HNM) - Âm nhạc là loại hình nghệ thuật thường xảy ra nhiều hiện tượng xâm phạm bản quyền, đồng thời cũng là lĩnh vực được quan tâm thực thi bản quyền rất tích cực. Gần đây, lợi dụng nền tảng số, nhiều chiêu trò xâm phạm quyền tác giả âm nhạc phức tạp đã xuất hiện. Việc phát hiện, đẩy lùi những hành vi này cần sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, người làm nghề, nhằm tạo môi trường lành mạnh cho âm nhạc phát triển.
Nhiều chiêu trò vi phạm
Gần đây, nhạc sĩ Trần Thanh Tùng lên tiếng về việc bị một nhóm người xưng là đại diện một công ty có chức năng cung cấp dịch vụ truyền thông mời ký hợp đồng ủy quyền khai thác 3 tác phẩm của ông trên nền tảng số, hứa hẹn không ảnh hưởng tới hợp đồng ủy quyền trước đó với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi ký hai tháng, nhóm người này không gửi lại hợp đồng cho nhạc sĩ theo thỏa thuận. Nhạc sĩ không liên lạc được qua điện thoại, tìm đến địa chỉ công ty thì được nhóm người này tiếp tại quán nước và đưa lại cho ông bản hợp đồng có một số nội dung bị thay đổi, như ủy quyền khai thác tuyển tập tác phẩm, không có tên tác giả nhạc và tác giả lời, không có dấu công ty và dấu giáp lai giữa các trang…
Tương tự, nhạc sĩ Bảo Chấn, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương cũng thông tin, ngoài hợp đồng ủy quyền với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, hai nhạc sĩ đã ký một hợp đồng ủy quyền khai thác tác phẩm của mình trên nền tảng số với một đơn vị truyền thông. Hai nhạc sĩ cho biết, họ được thuyết phục rằng nội dung ký trong hợp đồng không ảnh hưởng đến những bản hợp đồng ủy quyền trước đó. Thế nhưng, sau quá trình ký kết, các nhạc sĩ nhận được bản hợp đồng với đơn vị này có nhiều điều khoản bất hợp lý, không đúng thỏa thuận. Trước tình trạng này, các nhạc sĩ đã đề nghị cơ quan liên quan hỗ trợ xử lý vụ việc, tìm cách chấm dứt hợp đồng được cho là không minh bạch.
Ở trường hợp khác, nhạc sĩ Minh Châu rất bất ngờ khi hàng chục video ca khúc mình sáng tác đăng tải trên nền tảng số bị cảnh báo là vi phạm bản quyền. Nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ khác cũng phản ánh tình trạng bị báo vi phạm quyền tác giả âm nhạc trên nền tảng số, song không biết đơn vị tố mình là ai. Bên cạnh đó, nhiều ca sĩ vẫn thiếu ý thức thực thi quyền tác giả âm nhạc, ngang nhiên hát lại tác phẩm mà không xin phép, trả phí bản quyền. Điển hình là ca khúc “Hoa nở không màu” của nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường có nhiều ca sĩ hát, đăng trên các trang nhạc trực tuyến, nhưng không xin phép tác giả...
Nâng cao trách nhiệm bảo vệ bản quyền
Việc xuất hiện nhiều hành vi xâm phạm quyền tác giả âm nhạc gần đây, ngoài nguyên nhân có tổ chức, cá nhân cố ý tìm cách trục lợi, một phần do các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm bất cẩn. Nhạc sĩ Trần Thanh Tùng thừa nhận, do chưa tìm hiểu kỹ các nội dung liên quan đến quyền tác giả, thiếu thận trọng khi giao dịch, thỏa thuận nên ông gặp rắc rối. Để hạn chế tình trạng này, nhạc sĩ Doãn Nho cho rằng, nhạc sĩ cần nghiên cứu các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền tác giả, thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường âm nhạc, tìm hiểu và ủy thác việc quản lý, khai thác tác phẩm cho những cơ quan, tổ chức uy tín, minh bạch...
Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam Đinh Trung Cẩn cho biết, hiện tại, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam đang hỗ trợ các thành viên gặp phải tình huống không mong muốn khi ký kết hợp đồng ủy thác; phối hợp xử lý, ngăn chặn tình trạng một số tổ chức, cá nhân lạm dụng công cụ xác nhận quyền trên mạng xã hội để cố ý chiếm đoạt bản quyền, nội dung âm nhạc nhằm trục lợi...
Hiện nay cũng đã có thêm những tổ chức tham gia vào việc bảo hộ quyền tác giả, tạo môi trường ngày càng minh bạch cho lĩnh vực này, hỗ trợ tốt hơn cho đội ngũ sáng tác. Gần nhất, giữa tháng 4-2021, Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam đã được thành lập. Theo Chủ tịch Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam Bùi Nguyên Hùng, Hiệp hội sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức thực thi pháp luật và bản quyền tác giả qua hoạt động tư vấn, hỗ trợ, hợp tác về các biện pháp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan ở các lĩnh vực sáng tạo, trong đó có âm nhạc. Bên cạnh đó, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam cũng là tổ chức xã hội - nghề nghiệp đang tích cực đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất băng đĩa âm thanh, âm nhạc tại Việt Nam...
Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt khẳng định, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Vì vậy, trước thực tiễn còn bất cập, vướng mắc trong thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cần tăng cường tham mưu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là việc đưa nội dung này vào trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, tạo công cụ quản lý hiệu quả quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là trên không gian mạng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo hộ quyền tác giả… Đây là những cơ chế, biện pháp để đẩy lùi vi phạm quyền tác giả âm nhạc, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động sáng tạo, thụ hưởng âm nhạc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.