(HNM) - Cuộc hội đàm được cho là hiếm hoi vào lúc này giữa Bí thư BCH Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Il với ông Isao Iijima, cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản diễn ra 48 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận khu vực.
Chuyến thăm Bình Nhưỡng bất ngờ trong ba ngày của vị cố vấn hàng đầu dưới thời cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi được kỳ vọng mở ra hướng tiếp cận mới nhằm giải quyết bất đồng trong quan hệ hai nước xung quanh vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước. Quan trọng hơn, bước đi ngoại giao chủ động của Nhật Bản làm dấy lên hy vọng về một bán đảo Triều Tiên sẽ hạ nhiệt sau những ngày dài căng thẳng.
Nhà ngoại giao Nhật Bản kỳ cựu Isao Iijima (trái) đang có chuyến thăm Bình Nhưỡng để hàn gắn quan hệ hai nước. |
Sự kiện nhà ngoại giao Isao Iijima - từng dàn xếp chuyến đi của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi tới Bình Nhưỡng hội đàm với nhà lãnh đạo Kim Châng In năm 2002 và 2004 - trở lại Bình Nhưỡng phần nào cho thấy Tokyo sẵn sàng để ngỏ cánh cửa đàm phán. Trong bối cảnh tháng 4 vừa qua Nhật Bản tiếp tục triển hạn hai năm các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng sau vụ phóng vệ tinh tháng 12-2012, mà phương Tây cho rằng thực chất là một vụ thử tên lửa đạn đạo, sự hiện diện của ông Isao Iijima tại Bình Nhưỡng lần này có ý nghĩa quan trọng. Đây là cách tiếp cận mới của Nhật Bản khi Thủ tướng Shinzo Abe cũng vừa lên tiếng để ngỏ khả năng về một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nếu điều đó giúp khai thông bế tắc lâu nay về số phận các công dân Nhật Bản bị bắt cóc.
Chỉ là bước mở đầu nhằm giải quyết những bất đồng trong quan hệ song phương nhưng không chỉ Nhật Bản mà cả Mỹ và Hàn Quốc những ngày qua đều có những bước tích cực để hạ nhiệt trên bán đảo Triều Tiên. Trong đó, giải pháp để Bình Nhưỡng sớm trở lại bàn đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hiển nhiên là ưu tiên trong chuyến công du Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản từ ngày 13 đến 16-5 của đặc phái viên phụ trách chính sách về Triều Tiên của Mỹ Glyn Davies. Không chỉ nhấn mạnh đến nỗ lực hợp tác của hai đồng minh Nhật - Hàn, ông Glyn Davies một lần nữa đề cao vai trò "trung gian hòa giải" của Trung Quốc trong quyết tâm đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán càng sớm càng tốt sau một thời gian gián đoạn vì bất đồng giữa các bên liên quan.
Cùng quan điểm với Mỹ và Nhật Bản, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trong chuyến công du Mỹ tuần qua cũng đã tuyên bố không bao giờ chấp nhận một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và những khiêu khích của Bình Nhưỡng sẽ dứt khoát bị đáp trả. Thế nhưng, nữ chủ nhân đầu tiên của Nhà xanh lại khẳng định, Hàn Quốc sẵn sàng viện trợ nhân đạo bất chấp tình hình chính trị hiện nay giữa hai miền và sẵn sàng xây dựng lòng tin với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng hưởng ứng bằng cách tương tự. Để cụ thể hóa tuyên bố thiện chí này, Tổng thống Park Geun-hye đề xuất xây một công viên quốc tế ở biên giới đang căng thẳng với Triều Tiên như một phần của sáng kiến hòa bình…
Thế nhưng, bất chấp một loạt động thái trên của các bên liên quan, Triều Tiên vẫn tỏ ra cứng rắn dù không đưa ra thêm những tuyên bố sau khi đẩy tới chính sách "bên miệng hố chiến tranh" thời gian qua. Ngay sau khi bác bỏ đề xuất của Hàn Quốc về vận chuyển nguyên liệu thô tại Khu công nghiệp chung Kaesong - bị Bình Nhưỡng đóng cửa từ đầu tháng 4 vừa qua - một phát ngôn viên Tổng cục Chỉ đạo phát triển đặc khu của Triều Tiên ngày 16-5 nhấn mạnh: "Tương lai của Khu công nghiệp Kaesong cũng như mối quan hệ liên Triều phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ của chính quyền Hàn Quốc". Và "quả bóng" được đẩy sang phía Hàn Quốc.
Với những động thái thận trọng của Bình Nhưỡng, đặc biệt sau các cuộc thao luyện hải quân chung Nhật - Mỹ - Hàn vừa diễn ra với sự góp mặt của tàu sân bay hạt nhân Nimitz (Mỹ) thì bước đi ngoại giao của Nhật Bản dẫu thành công song cũng chỉ vừa đủ cho một hy vọng mong manh về sự hạ nhiệt trên bán đảo Triều Tiên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.