(HNM) - Tiếng trống khai giảng trên khắp mọi miền đất nước ngày hôm qua đã chính thức đưa 22 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học 2012-2013, năm học được xem là có rất nhiều kỳ vọng vào sự đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà.
Những năm gần đây, lĩnh vực GD-ĐT đã đạt những thành tựu rất đáng trân trọng. Quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục ngày càng phát triển; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất - kỹ thuật có nhiều tiến bộ; ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế; chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 16% (năm 2000) lên trên 40% (năm 2010)… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khiến dư luận quan ngại. Trước và ngay trong ngày khai giảng năm học này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thẳng thắn vạch ra những "căn bệnh trầm kha" của ngành GD-ĐT, đặc biệt nhấn mạnh: Nội dung giáo dục còn nặng về "dạy chữ" mà xem nhẹ mục tiêu "dạy người".
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, và thực trạng này đang ngày càng trở nên nhức nhối. Thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2002 đến nay, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng, với khoảng trên 11.000 vụ, gồm gây rối trật tự công cộng, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, hiếp dâm, ma túy, thậm chí cả giết người… gây tâm lý hoang mang cho phụ huynh, khiến dư luận xã hội không thể an lòng…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo các nhà quản lý, là do ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, có phần "đóng góp" không nhỏ của những thông tin giật gân, vô cảm trên báo chí, nhất là các trang mạng xã hội, về các vụ việc vi phạm pháp luật đã tác động sâu sắc tới đời sống tinh thần của học sinh, sinh viên; nhiều phụ huynh thiếu quan tâm, chăm sóc tới đời sống tinh thần của trẻ. Đáng kể là khiếm khuyết trong hệ thống GD-ĐT, khi chương trình giáo dục chậm đổi mới, xa rời thực tiễn, thiên về lý thuyết, tập trung vào kiến thức văn hóa mà ít đề cập tới rèn luyện kỹ năng sống, chưa quan tâm đúng mức tới giáo dục đạo đức lối sống để hoàn thiện nhân cách cho học sinh.
Để khắc phục tình trạng này, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, ngành GD-ĐT phải thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, đặc biệt quan tâm tới việc đổi mới phương pháp dạy và học, phối hợp chặt chẽ với gia đình, các đoàn thể xã hội và chính quyền địa phương thực hiện phương châm "dạy chữ, dạy người, dạy nghề" cho học sinh. Các trường học, cơ sở giáo dục cần cụ thể hóa mục tiêu này bằng việc tăng cường tuyên truyền về truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc và địa phương, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp ứng xử, văn hóa giao thông, tăng cường giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, đối phó với biến đổi khí hậu...
Rõ ràng, để trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước, ngoài kiến thức văn hóa và chuyên môn, thế hệ trẻ cần phải được học tập, thấm nhuần đạo đức làm người, phải được bồi dưỡng, rèn luyện nhân cách con người, như Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã dạy: "Học là để làm người, rồi mới làm cán bộ để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.