Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu xưa hay “chợ cóc” ?

Hồng Cương| 14/11/2013 07:10

(HNM) - Vừa qua, tại Bảo tàng Hà Nội lại tổ chức thêm phiên chợ đồ cũ Hà Nội với tên gọi

Các ki ốt bán đồ cũ tại Bảo tàng Hà Nội (ảnh chụp ngày 11-11-2013).



Bảo tàng Hà Nội tọa lạc trên khu đất cạnh Trung tâm Hội nghị quốc gia, với tòa nhà được thiết kế 4 tầng nổi, 2 tầng chìm có diện tích xây dựng khoảng 12.000m2. Bảo tàng được khánh thành từ năm 2010 vào dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, là nơi trưng bày nhiều di sản văn hóa nghệ thuật, thu hút khá đông khách nước ngoài đến tham quan. Từ ngày 3-11, Hội Cổ vật Thăng Long phối hợp với Bảo tàng Hà Nội tổ chức "Chợ phiên dấu xưa", mở cửa đều đặn vào các ngày chủ nhật hằng tuần (từ 9h đến 16h30). Theo Ban tổ chức, nếu sau này duy trì tốt thì có thể họp cả vào thứ bảy và chủ nhật. Ban tổ chức đã bố trí gần 40 gian hàng, chính xác là các ki ốt ở sảnh phía ngoài của bảo tàng để bày đồ vật đã qua sử dụng thuộc các thời kỳ lịch sử khác nhau; đồ giả cổ, đồ thủ công mỹ nghệ với nhiều chủng loại như lụa, sơn mài, đồ vật được chế tác từ sừng…

Vậy nhưng, sau khi tham quan các quầy hàng, nhiều người có cảm giác việc tổ chức phiên chợ ở đây làm bộ mặt của Bảo tàng Hà Nội trở nên nhếch nhác. Tiếng là được thiết kế theo mô hình chợ quê cổ truyền với những hình ảnh gợi lại không gian văn hóa truyền thống như: Cầu đá, cây đa, đình làng; nhưng các ki ốt bố trí lộn xộn do tận dụng hành lang, lối lên xuống để bán hàng. Thậm chí, một số người cũng chẳng cần ki ốt mà bày bán ngay ở lối đi. Bên cạnh đó, mặt hàng được bày bán ở đây quá ít ỏi, đơn điệu, ngoài một số đồ được coi là cổ vật, số còn lại không phong phú bằng chợ đồ cũ Hoàng Hoa Thám hay Hoàng Cầu, Kim Liên... Chưa kể, tại đây còn tồn tại một vài hàng chè chén để phục vụ du khách càng làm mất mỹ quan, không gian tôn nghiêm cần thiết ở một bảo tàng.

Trở lại câu chuyện tại Hà Nội đã có nhiều nơi chuyên bán đồ cũ, việc tổ chức phiên chợ bán đồ cũ ở Bảo tàng Hà Nội có hợp lý? Có thể nói, nếu kể đến nơi chuyên bán đồ đã qua sử dụng, không cần tổ chức phiên chợ, gần như tại vỉa hè phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa) ngày nào cũng tấp nập người mua bán. Người có sở thích sưu tập đồ cũ cũng không thể bỏ qua phiên chợ dưới con dốc số 456 phố Hoàng Hoa Thám. Cứ đến ngày thứ bảy trong tuần, chợ cũ Hoàng Hoa Thám trở thành địa điểm để những người chơi đồ cũ gặp gỡ, trao đổi những món đồ mà mình dày công sưu tầm. Trong khuôn viên khoảng 500m2, gần 30 gian hàng bày đủ thứ đồ dùng như: Chiếc đèn dầu, chiếc quạt con cóc, tiền giấy cũ, kính mắt, ấm chén, đồ đựng trầu đến những chiếc thìa nhôm Liên Xô, cái chân bàn cũ hay chai
biđông đựng nước...

Ngoài ra, chợ bán đồ cũ tại chân cầu vượt Thăng Long thuộc địa phận xã Hải Bối (huyện Đông Anh) cũng trở thành một trong những địa chỉ quen thuộc không chỉ với những người có thu nhập thấp, mà ngay cả những người có thu nhập cao, thậm chí có cả những vị khách nước ngoài cũng tìm đến với chợ. Đơn giản vì đến đây họ có thể tha hồ lựa chọn những vật dụng dù là nhỏ nhất, đến những vật dụng đắt tiền phù hợp với khả năng kinh tế của mọi người. Tuy nhiên, những nơi này cũng chỉ là hoạt động đơn lẻ, tự phát. Còn nhớ cách đây 10 năm, tại 236 đường Âu Cơ, UBND quận Tây Hồ, khu chợ với hơn 100 ki ốt đã được đầu tư xây dựng để mua bán xe máy và đồ cũ. Vậy nhưng, sau vài năm hoạt động kém hiệu quả, vắng khách, khu chợ này chuyển sang chuyên buôn bán hoa.

Những dẫn chứng trên cho thấy, Hà Nội không thiếu chỗ bán đồ cũ, vì vậy không thể viện lý do nào đó mà cắt xén mặt bằng của một nơi có công năng, mục đích hoạt động bảo tàng như Bảo tàng Hà Nội thành chợ bán đồ cũ chẳng khác gì "chợ cóc". Liệu có đáng chăng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu xưa hay “chợ cóc” ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.