(HNM) - Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều tiêu chí cần đầu tư kinh phí lớn, lộ trình dài, nhưng từ những việc làm nhỏ, chưa cần đầu tư nhiều, nếu quan tâm làm tốt sẽ đóng góp lớn vào thành công xây dựng NTM.
Giao thông nông thôn, một trong những tiêu chí được xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) chú trọng trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Bá Hoạt |
Xã Sơn Đông thuộc vùng trung du đồi gò, sản xuất còn khó khăn với 13.000 nhân khẩu/3.100 hộ phân bố tại 18 thôn. Năng suất lúa bình quân chỉ đạt 1,6 tạ/sào/vụ, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp cao, trên 50%, tỷ lệ hộ nghèo 7,8%, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 7 triệu đồng/năm... Đối với các tiêu chí về văn hóa so với bộ tiêu chí quốc gia về NTM, nơi đây chưa có trung tâm văn hóa xã, 18/18 thôn đã có nhà văn hóa nhưng do xây dựng từ lâu nên đều không đạt chuẩn về quy mô và thiếu các trang thiết bị (so với tiêu chí mới đạt 30%). Hiện tại, xã Sơn Đông có 3 tiêu chí đạt là: an ninh trật tự, nhà ở dân cư, hệ thống chính trị; 6 tiêu chí đạt trên 50% là: giao thông, giáo dục, y tế, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, môi trường… các tiêu chí còn lại đạt thấp. Theo đề án của xã, từ nay đến năm 2012, xã cần khoảng 226 tỷ đồng để xây dựng NTM. Trong đó, vốn có nguồn gốc từ ngân sách là 190 tỷ đồng, huy động doanh nghiệp hơn 21 tỷ đồng, xã hội hóa hơn 3 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 5 tỷ đồng. Việc huy động các nguồn vốn nội lực cho NTM ở Sơn Đông còn rất nhiều khó khăn. Nguồn vốn lớn, thời gian triển khai nhanh trong khi hiện trạng nông thôn lại thấp kém là những thách thức lớn đối với địa phương trong quá trình triển khai xây dựng NTM.
Xây dựng văn hóa để tạo đà
Ông Nguyễn Công Hữu, Chủ tịch UBND xã Sơn Đông cho rằng xây dựng NTM, điều quan trọng là phải nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong khi những tiêu chí về cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cần nguồn vốn lớn thì Sơn Đông đã xác định đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân xây dựng nếp sống văn hóa mới, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân làm tiền đề. Thành công lớn nhất mà Sơn Đông làm được là vận động người dân bỏ ăn cỗ trong đám tang. Trước năm 2009, việc tổ chức tang lễ cho người quá cố ở địa phương rất linh đình, tốn kém, một đám tang hết khoảng 50 triệu đồng. Nhiều gia đình khó khăn sau khi lo tang cho người thân rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Đến nay, việc tổ chức tang lễ ở Sơn Đông đã đơn giản hơn rất nhiều. Người dân đã xóa bỏ hủ tục ăn cỗ trong đám tang. Việc cưới cũng được thực hiện theo nếp sống mới, thời gian tổ chức ngắn, các thủ tục chạm ngõ, dạm hỏi, xin dâu đều gọn nhẹ nhưng có tính văn hóa cao.
Thành công trong việc cưới, việc tang là những việc nhỏ song đã mang lại hiệu quả lớn, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Từ đây, nhiều việc làm khác cũng được triển khai, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn. Bà Ngô Thị Lan, thôn Bắc cho biết: "Trước kia, chúng tôi rất bức xúc bởi "nạn" rác thải. Ý thức của một bộ phận nhân dân hạn chế khiến đầu làng, cuối xóm đâu đâu cũng thấy rác. Hiện nay ở các thôn đều có tổ thu gom, có điểm tập trung rác xa khu dân cư nên môi trường nông thôn được cải thiện đáng kể". Chủ tịch UB MTTQ xã Sơn Đông Nguyễn Văn Bất khẳng định, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, toàn xã có hơn 2.500 hộ, chiếm 92,5% số hộ đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa. 15/18 thôn đã xây dựng được quy ước làng văn hóa và triển khai xuống từng hộ dân thực hiện, an ninh trật tự ở địa phương được giữ vững.
Chủ tịch UBND xã Sơn Đông Nguyễn Công Hữu khẳng định, Sơn Đông sẽ tiếp tục phấn đấu sớm đưa 18/18 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa. Để làm được điều đó, bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân, địa phương sẽ chú trọng xây dựng và thực hiện các quy ước làng văn hóa, dòng họ văn hóa, khuyến khích thành lập các câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao, giữ gìn môi trường cảnh quan sạch, đẹp, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sơn Tây cho rằng, xây dựng nếp sống văn hóa mới chính là động lực để các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Những kết quả đạt được ở Sơn Đông đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hạn chế hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, phòng ngừa tệ nạn xã hội, tiết kiệm được tiền của, thời gian của nhân dân và góp phần quan trọng vào thành công xây dựng NTM.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.