(HNM) - Năm 2010 ngành nông nghiệp Hà Nội đã đạt được thành tựu khá toàn diện, tạo đòn bẩy cho người dân nông thôn có những thay đổi tích cực. Diện mạo nông thôn đang thay da đổi thịt từng ngày.
Đời sống nhân dân được nâng cao
Một góc xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất Ảnh: Linh Tâm
Trong năm qua, ngành nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; bảo đảm an ninh lương thực. Năm 2010, giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt 141 triệu đồng/năm. Kinh tế làng nghề đạt giá trị hàng hóa 7.356,42 tỷ đồng; bình quân thu nhập đầu người đạt 12,5 triệu đồng/người… Cùng với sự thay đổi của sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn đã chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới. Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện. Nhiều tuyến đường hoàn thành đã kết nối ngoại thành với các quận nội đô và các tỉnh khác, tạo điều kiện cho người dân trao đổi hàng hóa nông sản...
Trong không khí giá rét của mùa đông, lặn lội hơn 60km đường, chúng tôi tới thăm xã Yên Trung, một xã nghèo nhất trong 3 xã của Hòa Bình sáp nhập về huyện Thạch Thất. Tiếp chúng tôi, ông Hoàng Phương, Phó Chủ tịch UBND xã không giấu nổi niềm vui, trước đây đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn, đường sá lầy lội, không có điện, sản xuất nông nghiệp vô vàn gian khó. Tuy nhiên, chỉ mới hơn 2 năm về Thủ đô, bộ mặt nông thôn ở đây đã thực sự thay đổi. Các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã được đầu tư hoàn chỉnh với kinh phí hàng chục tỷ đồng, kết nối với các xã khác trên địa bàn huyện, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế cũng như giao thương của bà con thôn bản. Ngoài ra, trường mầm non, trường THCS, trạm y tế đều đã được đầu tư xây dựng...
Đầu tư toàn diện cho "tam nông"
Thời gian qua, thành phố đã có nhiều cố gắng đầu tư, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng những cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông thôn như giao thông, thủy lợi, điện, nước, thu gom rác… đòi hỏi rất lớn, nhưng nguồn thu hạn hẹp và định mức phân bổ chi ngân sách còn thấp. Chỉ tính riêng về đường giao thông, ở khu vực nông thôn có 13.000km, nhưng mới chỉ có khoảng 8.000km được trải nhựa hoặc đổ bê tông, còn lại khoảng 5.000km vẫn là đường đất "nắng bụi, mưa lầy". Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Xuân Việt phân tích, theo thống kê, hằng năm thành phố đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nhưng so với khu vực chiếm 60% diện tích thành phố, với hơn 400 xã, thị trấn thì khoản vốn như thế chia nhỏ ra chưa "thấm" so với yêu cầu thực tế. Thu nhập trung bình ở khu vực nông thôn, ngoại thành chỉ bằng 1/4 nội thành, nên muốn ngoại thành thực sự bứt phá, thành phố cần đầu tư mang tính đột phá cho khu vực này.
Để đạt được mục tiêu sản xuất nông nghiệp kết hợp xây dựng các vành đai xanh, Hà Nội tất yếu phải tiến tới ứng dụng công nghệ cao, hình thành các khu vực nông nghiệp công nghệ cao. Đây là hướng lâu dài, cần có lộ trình, bước đi phù hợp. Vì phát triển nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi phải phù hợp với trình độ của người nông dân cũng như trình độ quản lý các cấp, nhất là cấp cơ sở. Trước hết, chủ trương của thành phố là hình thành những khu vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khâu nào nông dân có thể làm được, từng bước đưa vào, từ đơn giản đến kỹ thuật cao hơn. Bên cạnh đó là đánh giá lại một cách toàn diện các chính sách phát triển nông nghiệp. Trên cơ sở đó rà soát, điều chỉnh chính sách và cách thức thực hiện phù hợp với tình hình.
Thành phố nên điều chỉnh cơ cấu đầu tư phát triển (đặc biệt là về hạ tầng) theo hướng ưu tiên, tập trung hơn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, không chỉ ở các xã thực hiện điểm chương trình nông thôn mới. Muốn thực hiện thành công các chính sách, nhất định phải đầu tư cho cán bộ cơ sở. Tập trung đầu tư bồi dưỡng cho họ khả năng tổ chức, lãnh đạo người dân có được ý chí tự lực, tự cường, vươn lên trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, có một thực tế là các thôn, xã đang thiếu cán bộ, yếu kỹ thuật. Hà Nội cần xây dựng cơ chế để lấp "lỗ hổng" này. Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cũng có nghĩa là phải đầu tư nâng cao trình độ của nông dân, hoàn thiện hạ tầng cơ sở khu vực nông thôn, phát triển các ngành hỗ trợ nông nghiệp... Điều này sẽ làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn - Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Xuân Việt khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.