(HNM) - TP Hồ Chí Minh vừa công bố kết quả khảo sát chỉ số hài lòng về 10 dịch vụ công nhằm đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính trong hai năm (2012 - 2013). Trong đó, chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt giảm sút nhiều, trong khi trợ giá xe buýt từ ngân sách tăng gần gấp 2,5 lần.
Có mặt trên tuyến xe buýt số 19 (Bến Thành - Khu chế xuất Linh Trung - ĐH Quốc gia), chúng tôi ghi nhận tình trạng đón trả khách dọc đường diễn ra ngang nhiên. Xuất phát từ chợ Bến Thành (quận 1) từ sáng sớm, khi di chuyển trong khu vực trung tâm thành phố qua các tuyến đường như: Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Hai Bà Trưng - Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Thị Minh Khai… xe đón trả khách đúng bến bãi. Tuy nhiên, khi ra ngoại thành thuộc tuyến quốc lộ 13 - Quốc lộ 1A - Đường 621 - Khu đô thị ĐH Quốc gia (chủ yếu trên địa bàn quận Thủ Đức) bỏ trạm, ghé không sát trạm dừng…
Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt bị người dân chê trách nhất trong 10 loại hình dịch vụ công. |
Kết quả khảo sát ngẫu nhiên trên 1.500 hộ dân tại TP Hồ Chí Minh có gần 35% ý kiến cho rằng vệ sinh trên xe không sạch; 50% đánh giá sử dụng thùng bán vé tự động không hiệu quả và phải chờ đợi lâu; hơn 50% nhận xét xe buýt không dừng hẳn, không đỗ sát lề đường đón trả khách. Điều đáng buồn là hơn 40% phản ánh xe buýt vẫn bỏ trạm không đón khách; gần 66% cho biết xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu và hơn 90% ý kiến vẫn chưa biết về trang thông tin xe buýt của thành phố. |
Hiện có rất nhiều tuyến xe buýt ở TP Hồ Chí Minh trong tình trạng trên. Điều này đúng như kết quả khảo sát về chỉ số hài lòng của người dân TP Hồ Chí Minh đối với 10 dịch vụ công vừa mới công bố, khi dịch vụ vận tải hành khách công cộng bị chê trách rất nhiều. Chỉ số hài lòng của dân với loại hình vận tải công cộng này đã sụt giảm từ +0,43 năm 2008 xuống +0,26 còn bởi hạ tầng giao thông thành phố đã quá tải, xe buýt gây ra nhiều tai nạn giao thông…
Nghịch lý là chất lượng dịch vụ giảm nhưng số tiền trợ giá cho xe buýt tăng vọt trong 5 năm vừa qua. Cụ thể, từ năm 2008 đến 2013, ngân sách trợ giá cho xe buýt tăng gần 2,5 lần (từ hơn 600 tỷ đồng lên gần 1.500 tỷ đồng). Trong khi đó, xe buýt chỉ đáp ứng được chưa tới 10% nhu cầu đi lại của người dân.
Trước nghịch lý này, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Dương Hồng Thanh cho biết, Sở GTVT đang đẩy nhanh tiến độ rà soát, điều chỉnh lại mạng lưới xe buýt để người dân tiếp cận thuận tiện nhất; sẽ nghiên cứu triển khai một số bãi giữ xe 2 bánh miễn phí tại các trạm, điểm dừng đỗ xe buýt lớn để người dân dần chuyển sang dùng xe buýt. Thêm vào đó là việc tăng cường công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, sử dụng thiết bị giám sát hành trình nhằm giám sát hoạt động của xe… Cũng theo ông Dương Hồng Thanh, điều cốt yếu nhất là phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các hệ thống vận tải hành khách công cộng như: Tàu điện ngầm Metro, xe buýt nhanh BRT, xe buýt sử dụng công nghệ sạch CNG... thì mới có thể phát huy hiệu quả tối đa vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Bên cạnh giải pháp trên, TS Phạm Sanh, nguyên giảng viên ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng thành phố cần quy hoạch luồng tuyến khoa học và thực tế hơn; sắp xếp lại các đơn vị tham gia dịch vụ vận tải công cộng hành khách bằng xe buýt trên cơ sở cạnh tranh hiệu quả thông qua đấu thầu hoặc đấu giá; đồng thời nên bỏ cách làm trợ giá bao cấp hiện nay và đầu tư cơ sở hạ tầng cho mạng lưới xe buýt.
Đồng quan điểm, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu dùng trợ giá để phát triển xe buýt như cách làm hiện nay chắc chắn sẽ không thành công và tạo mầm mống tiêu cực. Thành phố cũng không nên chỉ tập trung vào việc đóng mới xe buýt (đề án thay mới 1.680 xe buýt trong giai đoạn năm 2014-2017) bởi nó sẽ gánh nặng cho ngân sách và cần áp dụng quảng cáo trên xe buýt để giảm gánh nặng cho việc đầu tư cho phát triển phương tiện giao thông công cộng này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.