Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư phát triển KH-CN: Đổi mới từ chính sách

Trà My| 22/06/2012 06:57

(HNM) - Ở các nước phát triển, cộng đồng doanh nghiệp (DN) là nhà đầu tư lớn nhất cho hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN), đặc biệt là công tác nghiên cứu và thương mại hóa kết quả. Ở Việt Nam lại khác, khoảng 70% kinh phí cho hoạt động KHCN vẫn là từ "bầu sữa" ngân sách. Thông số này nói lên điều gì?

Đầu tư nhỏ giọt

Một cuộc khảo sát quy mô lớn với sự tham gia của hàng trăm nghìn DN do Tổng cục Thống kê thực hiện trong giai đoạn 2007-2010 cho thấy thực trạng đáng buồn là chỉ có 0,2% DN trả lời về tình hình đầu tư cho KHCN. Trong số 509/290.767 DN trả lời trong năm 2010 thì chi phí bình quân của mỗi đơn vị dành cho KHCN là khoảng 5 tỷ đồng, chiếm 2,8% nguồn vốn của DN. Hoạt động KHCN được DN quan tâm thường là nghiên cứu triển khai (R&D) và đổi mới công nghệ, trong đó tỷ lệ đầu tư cho R&D giảm mạnh trong những năm qua.

Ứng dụng KHCN vào sản xuất, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Huyền Linh

TS Phạm Thị Thu Hằng (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết, hiện Nhà nước đã cho phép DN dành 10% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển KHCN nhưng rất ít DN làm được việc này. Hầu hết DN chưa biết cách thức trích lập quỹ, một phần do không nắm được thông tin chính sách; mặt khác, một số văn bản hướng dẫn trích lập, hạch toán quỹ này còn chồng chéo, không rõ ràng. Trong bối cảnh hoạt động của DN khá khó khăn như hiện nay, tỷ lệ trích lập quỹ không đáng kể để có thể đầu tư vào KHCN. Ngay như TP Hồ Chí Minh, địa phương có số DN lớn nhất cả nước, theo báo cáo của Sở KHCN TP thì đến nay cũng chỉ có 31 DN lập được quỹ này. Có nhiều nguyên nhân của thực trạng nói trên, trong đó có thực tế là 95% DN nước ta thuộc diện nhỏ và siêu nhỏ, 10% lợi nhuận trước thuế của họ chỉ đáng giá một vài chục hoặc vài trăm triệu đồng, không đủ cho đầu tư đổi mới công nghệ, nói gì đến hoạt động R&D.

Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông nêu thực trạng buồn tại DN này: Những năm gần đây, DN đã ứng dụng nhiều tiến bộ KHCN vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giờ muốn đầu tư 20% lợi nhuận sau thuế cho quỹ phát triển KHCN nhưng không thực hiện được vì phía nắm cổ phần nhà nước không đồng ý, muốn tất cả lợi nhuận được chia hết vào cổ tức... Thực trạng này cũng xảy ra ở nhiều DN khác.

Xóa rào cản cơ chế

Gần đây, Viện Chiến lược và Chính sách KHCN đã thực hiện đề tài "Tác động của cơ chế, chính sách công đến việc khuyến khích DN đầu tư vào KHCN", cho thấy: 50,79% số DN nhận xét rằng cơ chế, chính sách hiện nay đã tạo môi trường hỗ trợ thuận lợi cho các DN trong việc đầu tư vào KHCN và hoạt động đổi mới. Tuy nhiên, các DN cũng cho rằng, hạn chế của chính sách công trong việc khuyến khích DN đầu tư vào KHCN là thiếu sự tham gia của DN trong quá trình lập chính sách và ra quyết định (77,78%); các cơ chế, chính sách không khuyến khích được DN (74%). Đầu tư của DN không hướng vào hoạt động R&D không phải là do thiếu sự hỗ trợ về tài chính mà cơ bản là do chính sách công chưa giúp DN nhận thức được vai trò quan trọng của R&D để họ tự điều chỉnh hành vi đầu tư.

TS Phạm Thị Thu Hằng cho rằng, để thúc đẩy hoạt động đầu tư, đổi mới KHCN trong DN, ngoài sự quyết tâm, nỗ lực từ DN, cần có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Cần thực hiện chính sách miễn giảm thuế đối với DN trong quá trình thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới và giai đoạn đầu của quá trình sản xuất sản phẩm đại trà. Các chính sách miễn giảm thuế thu nhập DN đối với sản phẩm được hình thành từ đổi mới công nghệ cũng cần được điều chỉnh. Nếu không có sự chia sẻ của Nhà nước ngay từ ban đầu, rất ít DN dám mạnh dạn đầu tư vào KHCN.

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho biết, về việc lập quỹ KHCN của DN, Bộ đang kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội để sắp tới có thể huy động nguồn đóng góp 10% lợi nhuận trước thuế của DN vào quỹ KHCN của địa phương. Với sự đóng góp của hàng nghìn, hàng vạn DN thì địa phương sẽ có thêm nguồn vốn lớn đầu tư cho một số DN hàng đầu để đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm mới. Ngoài ra, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia sắp đi vào hoạt động sẽ là kênh hỗ trợ mới giúp DN tham gia vào hoạt động KHCN nhiều hơn.

Hiện nay, nước ta có khoảng 400.000 DN đang hoạt động, việc can thiệp trực tiếp vào từng DN nằm ngoài tầm với, dễ gây nên sự không bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn đầu tư của Nhà nước cho hoạt động KHCN. Kinh nghiệm cho thấy, bài toán đó chỉ được "giải" qua cơ chế ủy thác cho các quỹ hoặc các hiệp hội DN khác nhau, tạo đòn bẩy và sự lan tỏa của hoạt động hỗ trợ.

DN nước ta chỉ dành 0,2-0,3% doanh thu cho đầu tư đổi mới công nghệ, trong khi chỉ số này ở Ấn Độ, Hàn Quốc lần lượt là 5% và 10%. Trong ba giai đoạn của chu trình phát triển công nghệ, DN Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu là tiếp thu công nghệ, chưa đạt được mục tiêu làm chủ và sáng tạo công nghệ. Đáng lưu ý là có đến 57,7% DN Việt Nam không muốn mua công nghệ trong nước...

Nguồn:Trường Quản lý KHCN
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư phát triển KH-CN: Đổi mới từ chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.