(HNM) - Chiều 26-6, tại cuộc họp với Sở Y tế Hà Nội, các bệnh viện (BV) công lập trên địa bàn cùng chuyên gia nước ngoài bàn về giải pháp phát triển y tế Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, đầu tư cho y tế Thủ đô 5 năm qua nhiều nhưng dàn trải, không hiệu quả.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội thảo về nâng cao chất lượng ngành y tế Thủ đô. Ảnh: Anh Quý |
Thiếu cả “phần cứng” lẫn “phần mềm”
Đánh giá về thực trạng hệ thống y tế nước ta, ông Chen Shih Che - Giám đốc điều hành BV Trường Canh - BV hạng nhất tại Đài Loan (Trung Quốc) cho rằng, hiện trạng y tế Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng thiếu cả “phần cứng” lẫn “phần mềm”: BV cũ, số lượng thiếu, không gian và trang thiết bị đều không đủ; cán bộ chuyên môn giỏi ít, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) còn hạn chế. Người có điều kiện kinh tế thường ra nước ngoài chữa bệnh. “Ở Việt Nam, BV có 500 giường mà khám được cho 1.000 bệnh nhân/ngày là không hợp tỷ lệ. Nếu để người bệnh chờ quá lâu trong BV sẽ gây ra những truyền nhiễm không đáng có” - ông Chen Shih Che nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Yamamoto, người có kinh nghiệm 35 năm trong vai trò chuyên gia tư vấn y tế Nhật Bản đánh giá, Việt Nam thiếu các cơ sở khám, chữa bệnh, nguồn nhân lực y tế. Có khoảng 90 triệu dân nhưng số giường bệnh mới đạt 2,9 giường/1.000 dân; 0,7 bác sĩ/1.000 dân và 0,9 hộ lý/1.000 dân, trong khi Nhật Bản có dân số khoảng 126 triệu dân thì số giường bệnh tương ứng là 13,6 giường/1.000 dân; 2,2 bác sĩ/1.000 dân và 10,1 hộ lý/1.000 dân. Vì thế, ở Việt Nam, bệnh nhân tập trung chủ yếu ở BV tuyến trên, nơi có quy mô lớn, trình độ khám, chữa bệnh cao, khiến BV quá tải, công suất giường bệnh lên đến 150% dẫn đến thực trạng, bệnh nhân cấp cứu ngay trên cáng, 2 bệnh nhân chung một giường bệnh, giường bệnh kê tràn ra hành lang… Về trang thiết bị y tế cũng rất thiếu, việc ứng dụng CNTT không phát huy công năng, khiến cho việc quản lý BV không mang lại hiệu quả, thời gian chờ đợi của người bệnh dài...
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền thừa nhận, trên địa bàn thành phố có 41 BV công lập (gồm có 25 BV đa khoa và 16 BV chuyên khoa), 29 BV ngoài công lập, song BV được xây mới không nhiều. Hiện mới chỉ có BV Gia Lâm, Đức Giang, Đông Anh, Sóc Sơn… được xây dựng hiện đại. Các BV khác, do điều kiện ngân sách còn hạn hẹp nên đầu tư không đồng bộ. Khó khăn nhất là hệ thống khoa khám bệnh, trước đây được đầu tư nhỏ lẻ, chật hẹp, không đủ điều kiện đón tiếp người bệnh, nhất là y tế tuyến dưới.
Giám đốc BV Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là ứng dụng CNTT giúp chống thất thoát, lãng phí, giảm sai sót trong y khoa… Việt Nam hiện chưa có phần mềm quản lý y tế được coi là chấp nhận được, cũng chưa BV nào có phần mềm gọi là bệnh án điện tử. Mỗi BV sử dụng một phần mềm quản lý khác nhau, khả năng sử dụng CNTT của nhân viên y tế cũng khác nhau. Mong rằng, thành phố đầu tư vào hệ thống CNTT, quản lý đồng bộ nhân lực, điều hành, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển ngành y tế Thủ đô.
Theo Giám đốc BV Đa khoa Xanh Pôn Nguyễn Đình Hưng, khi xây dựng hệ thống quản lý CNTT đồng bộ cho toàn hệ thống BV công lập cũng như ngoài công lập trên địa bàn thành phố sẽ giúp các BV tăng cường kết nối, quản lý vấn đề chuyên môn, thuốc, vật tư tiêu hao, đặc biệt là BHYT. Bởi vì, từ khi triển khai việc thông tuyến BHYT, BV không quản lý nổi việc người bệnh từ nơi này đến nơi khác khám, chữa bệnh. Hơn nữa, hiện tại BV Xanh Pôn được giao đấu thầu thuốc tập trung, nếu không có hệ thống CNTT đồng bộ, việc xây dựng danh mục thuốc mất nhiều thời gian. Thậm chí, vấn đề quản lý thuốc tồn kho, thuốc xuất, nhập kho cũng khó khăn, dẫn đến có những mặt hàng ở BV khác thiếu, BV này lại thừa.
Để nâng cao chất lượng...
Đề xuất giải pháp cho sự phát triển của y tế Hà Nội, ông Chen Shih Che cho biết, y tế thế giới đang đi theo xu hướng hiện đại, đồng bộ, công năng, thuận tiện. Do đó, cần phải quy hoạch lại hệ thống y tế Thủ đô theo hướng thông minh. BV thông minh thì phải được thiết lập hạ tầng điện toán đám mây, máy chủ hiệu năng cao, nâng cấp kho dữ liệu, các dịch vụ hiện đại... Tất cả những ứng dụng phải hạn chế được sai sót và các vấn đề bất cập tồn tại từ trước đến nay để hướng đến nền y tế toàn diện, an toàn cho người bệnh. Còn ông Yamamoto đưa ra giải pháp phân hóa chức năng cho các BV, các phòng khám. Theo ông Yamamoto, nếu không phân định rõ vai trò chức năng từng đơn vị, thì bệnh nhân sẽ chỉ tập trung về các BV lớn gây quá tải, chất lượng khám chữa bệnh không bảo đảm. Đơn cử, xung quanh BV Bạch Mai có nhiều BV nhỏ thì cần liên kết để khám, chữa bệnh… Ngoài ra, giải pháp về đào tạo nhân lực hết sức quan trọng. Dù BV lớn, trang thiết bị hiện đại như thế nào, nhưng nếu y, bác sĩ không sử dụng tốt, không được đào tạo tốt thì sẽ không nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Với quyết tâm phát triển y tế Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, phải thay đổi cách làm, phải quy hoạch lại toàn bộ hệ thống y tế Thủ đô, từ vị trí, cơ sở vật chất đến con người… Sau cuộc họp này, Sở Y tế chỉ đạo các BV xây dựng báo cáo đánh giá toàn diện thực trạng BV. Để nâng cao chất lượng ngành y tế Thủ đô, trước mắt, thành phố sẽ đầu tư hệ thống CNTT cho toàn bộ BV trên địa bàn. Phần mềm cho các BV phải có cả tiếng Việt và tiếng Anh để không chỉ kết nối với các BV trong nước, mà còn kết nối với các trung tâm y tế trong khu vực và trên thế giới. Thành phố cũng sẽ đầu tư để đưa Trung tâm Kỹ thuật cao của BV Đa khoa Xanh Pôn đạt tiêu chuẩn Châu Âu, sau đó sẽ kết nối với một số BV trong và ngoài nước phục vụ chẩn đoán và khám chữa bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.