(HNM) - Với hạ tầng giao thông, kho bãi trung chuyển hàng hóa ngày càng hoàn thiện, ngành Logistics Việt Nam đang định hình rõ nét. Tuy nhiên, trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất, nhập khẩu và thương mại nội địa, hạ tầng logistics cần được chú trọng đầu tư phát triển đồng bộ hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, ngành Logistics đã thúc đẩy thương mại nội địa và xuất khẩu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trước sự tăng trưởng nhanh, mạnh của nền kinh tế, kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics đã bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thương mại và sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, logistics là hoạt động theo chuỗi dịch vụ từ giai đoạn tiền sản xuất tới khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Lĩnh vực này liên quan đến hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi, các thủ tục hành chính, xuất nhập khẩu, thương mại, kênh phân phối bán lẻ.
Hiện hạ tầng cứng của logistics bao gồm kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đang ngày càng được hoàn thiện nhưng chưa thực sự đồng bộ và chưa đáp ứng đầy đủ. Do đó, chưa tạo ra hành lang vận tải đa phương thức, trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa đang ngày càng lớn. Tính chưa đồng bộ còn thể hiện ở việc thiếu các kho vận tập trung có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng sông, cảng biển, sân bay, đường quốc lộ, cơ sở sản xuất. Về hoạt động của các cảng biển, ông Nguyễn Tương chỉ rõ: “Tổng công suất của hệ thống cảng biển Việt Nam chỉ đạt con số 550 triệu tấn, vì thế nhiều loại hàng hóa phải bốc dỡ ngoài phao, ngoài luồng do thiếu hạ tầng trong cảng”.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, 97% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics có quy mô vừa và nhỏ. Điều này cho thấy hạ tầng logistics ở Việt Nam còn manh mún và chưa được quy hoạch đồng bộ. "Nguồn cung cho thuê kho bãi hiện không đủ đáp ứng nhu cầu do diện tích sàn còn ít, chất lượng dịch vụ logistics ở mức sơ khai", bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, đại diện Công ty Jones Lang LaSalle Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thông tin.
Khối lượng hàng hóa sản xuất, lưu trữ trong nước cũng như xuất khẩu ngày càng lớn đang đặt ra đòi hỏi cần phát triển hạ tầng logistics đủ lớn và hiện đại, bảo đảm lưu chuyển hàng hóa ổn định, thông suốt, góp phần giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Để nâng tầm hạ tầng logistics Việt Nam, ông Nguyễn Tương cho rằng cùng với hoàn thiện hệ thống cảng biển, cảng sông, cảng hàng không, cần đẩy mạnh xây dựng các tuyến đường cao tốc bởi Việt Nam hiện mới có hơn 1.000km đường cao tốc. Đối với vận tải hàng không, trong dài hạn cần tăng thêm đội tàu bay chở hàng nhằm tăng năng lực vận chuyển hàng không.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thái Hòa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế (trụ sở tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mong muốn, khi quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt thì cơ quan chức năng cần có thông tư hướng dẫn chi tiết, tạo thuận lợi cho việc hình thành các trung tâm logistics đủ mạnh, đáp ứng nhu cầu nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hướng đi đúng là phải tập trung phát triển hạ tầng kho hàng, hệ thống bến bãi, cảng sông, cảng cạn... Bên cạnh đó, cần tăng cường áp dụng công nghệ trong dịch vụ logistics, xây dựng mạng lưới liên kết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Ngoài ra, cũng cần tăng cường đội ngũ nhân lực logistics đi đôi với khuyến khích doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics nhằm giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh.
Về chiến lược dài hơi, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương rà soát, triển khai phát triển hạ tầng logistics theo các quy hoạch, trong đó chú trọng tới các trung tâm logistics; sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên phát triển các loại hình hạ tầng thương mại có tính lan tỏa, có tác động đáng kể để hỗ trợ sản xuất lưu thông...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.