Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư phát triển bền vững

Thế Đan| 06/12/2021 06:31

(HNM) - Khâu đột phá chiến lược đầu tiên được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định là “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...”. Điều đó cho thấy Đảng, Nhà nước ta đặc biệt coi trọng việc xây dựng thể chế.

Một thực tế không thể phủ nhận là những năm qua, nước ta rất nỗ lực trong việc cải cách thể chế, chẳng hạn như trong lĩnh vực môi trường đầu tư kinh doanh. Nhiều chính sách, quy định về đấu thầu, đầu tư, thuế, hải quan… đã được rút ngắn thời gian, công khai và thực hiện qua hệ thống điện tử. Tuy nhiên, “nút thắt” thể chế bộc lộ rõ khi bộ máy tổ chức còn trùng lắp, cồng kềnh, kém hiệu quả. Luật pháp chồng chéo, thủ tục rườm rà, không rõ ràng, dẫn đến chi phí phi chính thức mà các doanh nghiệp phải trả để thực hiện sản xuất, kinh doanh còn lớn...

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 11-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hằng tháng Chính phủ đều tổ chức phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, coi đây là nhiệm vụ cấp thiết, không có điểm dừng.

Từ thực tiễn phát triển có thể thấy, nhiệm vụ cải cách thể chế hiện nay cần tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn”, “nút thắt” trong các lĩnh vực được coi là “điểm nóng”, đang được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người dân quan tâm; kịp thời ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19 và đón bắt cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: Pháp luật về môi trường, đất đai, an sinh xã hội, tài chính, hợp tác công - tư; hoàn thiện các quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát bằng pháp luật; ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.

Trong đó, cần quy định cụ thể và đề cao nguyên tắc về trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong hoạt động xây dựng pháp luật; quy định các hình thức chế tài phù hợp gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc không thực hiện đúng các yêu cầu phối hợp công việc. Đề cao vai trò, tính tự chịu trách nhiệm của cơ quan chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong việc chủ động, tự quyết định đối với nội dung dự án, dự thảo được giao chủ trì soạn thảo; hạn chế đến mức thấp nhất những vấn đề còn ý kiến khác nhau trước khi trình dự án, dự thảo lên cấp trên.

Cùng với việc đề cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các quy định về thủ tục, yêu cầu phối hợp không thực sự cần thiết; chỉ yêu cầu bắt buộc đối với những lĩnh vực, những công đoạn thực sự cần thiết trong quy trình soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm thực chất và có ý nghĩa.

Với quan điểm xây dựng thể chế chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững, nên phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, chống tham nhũng, tiêu cực lợi ích nhóm. Muốn vậy phải sớm loại bỏ tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi cơ quan thực thi cũng chính là cơ quan soạn thảo chính sách, qua đó “cài cắm” những quy định “giấy phép con” để trục lợi.

Để làm tốt yêu cầu trên, người đứng đầu các bộ, ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Dành thời gian thỏa đáng, ưu tiên nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất, đặc biệt tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ và bảo đảm điều kiện, chế độ, chính sách cho những người tham gia công tác này. Trong quá trình thực hiện, phải thường xuyên rà soát những vướng mắc của thể chế từ thực tiễn, bám sát, tôn trọng thực tiễn, mọi chính sách, pháp luật phải hướng tới người dân, doanh nghiệp, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật. Để hoàn thiện thể chế, cần chú ý tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát, quy định trách nhiệm, cắt giảm các thủ tục hành chính.

Không có quy định luật pháp nào phủ hết được mọi ngóc ngách của cuộc sống. Có những quy định vừa ban hành hôm trước là đúng nhưng hôm sau không còn phù hợp do tình hình thay đổi, trong khi quy trình sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật không thể "một sớm một chiều". Do đó, trong tổ chức thực thi pháp luật phải linh hoạt để vừa không vi phạm, vừa phù hợp với điều kiện. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, phải quan tâm đánh giá tác động của quy định, lấy ý kiến của các đối tượng bị tác động; người dân và doanh nghiệp phải được tham gia. Đó cũng là phương châm để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng vững mạnh, thực sự là của dân, do dân và vì dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.