(HNM) - Kết quả thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta quý I-2022 được đánh giá là khả quan trong bối cảnh bất lợi, suy giảm trên phạm vi toàn cầu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dự báo, việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp đà bứt phá để trở thành đầu vào tiếp sức cho sản xuất cũng như nâng tầm quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.
Giải ngân tăng cao nhất trong 5 năm
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I-2022, Việt Nam đón nhận 8,91 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng vốn đầu tư nước ngoài được giải ngân đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức giải ngân cao nhất trong 5 năm qua.
Đối với thành phố Hà Nội, trong quý I-2022, đã thu hút 513,1 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó đăng ký cấp mới 62 dự án với số vốn đạt 24,9 triệu USD; bổ sung tăng vốn đầu tư 28 dự án với 122,8 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 62 lượt, đạt 365,4 triệu USD.
Đáng chú ý, tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài vào ngành nghề nguy cơ ô nhiễm cao, công nghệ lạc hậu như dệt nhuộm đã giảm dần. Thực tế đang xuất hiện nhiều dự án chất lượng cao, theo xu hướng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo đúng như định hướng của Chính phủ là chủ động chọn lọc, gia tăng chất lượng và sự đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài.
Đơn cử, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tỉnh Bình Dương để xây dựng nhà máy mới trị giá hơn 1 tỷ USD tại Việt Nam. Đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO và có phần đầu tư cho năng lượng mặt trời, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.
Dù có những tác động bất lợi từ dịch Covid-19, song các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam trong bối cảnh “bình thường mới”. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn, bên cạnh việc mở cửa trở lại, sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Việt Nam cũng như khả năng phục hồi và thích ứng của doanh nghiệp nội địa đã khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Còn theo báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, trong quý I-2022, chỉ số này đã tăng lên 73 điểm, đạt mức cao nhất kể từ sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư; tăng 12 điểm so với quý IV-2021. Vì vậy, doanh nghiệp châu Âu tỏ ra lạc quan về viễn cảnh kinh doanh tại Việt Nam.
Phát huy lợi thế, hứa hẹn bứt phá
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và khu công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt, nước ta đưa vào sử dụng hàng nghìn ki lô mét đường bộ liên vùng, giúp thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa các địa phương, cũng như bảo đảm kết nối với cảng biển - đầu mối xuất khẩu.
Theo nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Hữu Thắng, sự ổn định về chính trị, đồng thuận xã hội và vị trí địa lý thuận lợi cho trung chuyển, xuất khẩu hàng hóa vẫn là lợi thế nổi trội, có sức hấp dẫn nguồn đầu tư quốc tế của Việt Nam. Trong khi đó, Bộ Công Thương khẳng định, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do là điểm nhấn quan trọng, có tác dụng kích đẩy hoạt động xuất khẩu và là lợi thế để nhà đầu tư tận dụng, tìm cơ hội và đầu tư tại Việt Nam.
Hiện, các tỉnh, thành phố đã mở cửa, tập trung khôi phục giao thương, du lịch, đón giới đầu tư nước ngoài, những đối tác lớn trong nỗ lực tìm nguồn vốn bổ sung. Đáng chú ý, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng vừa có cuộc làm việc với các doanh nghiệp Hàn Quốc và bàn thảo về khả năng đón nhận thêm 20 nhà đầu tư mới, với tổng vốn dự kiến 2-4 tỷ USD. Trong khi đó, tỉnh Nghệ An cũng tăng cường hỗ trợ các dự án trên địa bàn, coi đó là biện pháp truyền thông hữu hiệu đối với cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài...
Gần đây, Việt Nam nổi lên với vai trò như một trung tâm sản xuất mới, trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với sự góp mặt của một số tên tuổi sáng giá trong lĩnh vực chế tạo, công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Foxconn… Những tập đoàn, công ty nói trên vẫn đang tiếp tục nghiên cứu khả năng mở rộng đầu tư, gia tăng năng lực sản xuất, gia công linh kiện điện tử, thiết bị di động chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu ra thị trường toàn cầu. Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho khẳng định, Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất quan trọng hàng đầu mà còn là địa điểm chiến lược trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Đó là minh chứng cho mục tiêu hoạt động lâu dài của tập đoàn này nói riêng và giới đầu tư quốc tế ở Việt Nam nói chung.
Đánh giá về triển vọng thời gian tới, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng thông tin, xu hướng gia tăng vốn, mở rộng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đã và đang thể hiện rõ nét. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lạc quan nhận định, với triển vọng phục hồi kinh tế hiện nay, môi trường đầu tư - kinh doanh liên tục cải thiện, cũng như hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dự báo dòng vốn đầu tư nước ngoài có khả năng tăng mạnh, sẽ có nhiều dự án quy mô lớn, chất lượng cao của các tập đoàn hàng đầu thế giới đến Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.