(HNM) - Trong 2 tháng đầu năm nay, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, vốn thực hiện giải ngân của dự án đầu tư nước ngoài đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2%. Đây là kết quả khá khả quan, hứa hẹn những bứt tốc trong bối cảnh có nhiều trầm lắng của hoạt động đầu tư toàn cầu.
Thực tế hai tháng đầu năm nay cho thấy số lượng vốn đầu tư nước ngoài đã xuất hiện những diễn biến đáng ghi nhận. Đơn cử, Dự án Nhà máy Chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goertek Vina (Goertek) điều chỉnh vốn từ 260 triệu USD lên 565,7 triệu USD (tăng 305,7 triệu USD) tại tỉnh Bắc Ninh vừa được cấp phép. Bà Nguyễn Hương Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định sự kiện nói trên góp phần nâng cao quy mô sản xuất và đầu tư chuyên sâu vào công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan. Từ đó, dự án sẽ tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu ngân sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chia sẻ về tình hình hoạt động đầu tư nước ngoài, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng cho biết, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng các nhà đầu tư quốc tế vẫn tin tưởng tìm đến Việt Nam để mở rộng đầu tư. Việt Nam hiện đang được các tổ chức quốc tế đưa vào tốp 20 quốc gia thu hút đầu tư hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa dự báo Tổng sản phẩm nội địa (GDP) Việt Nam sẽ tăng đạt mức 6,6% trong năm 2022, cao hơn so với các nước trong khu vực nên sẽ tạo ra sức hấp dẫn đối với dòng vốn mới…
Ông Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh, giới đầu tư tỏ ra an tâm khi Việt Nam cam kết luôn chia sẻ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiến hành đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững, lâu dài tại Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam ngày càng chứng minh vai trò, năng lực của một trung tâm sản xuất, mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế…
Còn theo ông Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh, một trong những yếu tố nổi bật khác biệt để định vị Việt Nam đối với những quốc gia khác là tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định cũng như được củng cố bởi nền tảng chính trị ổn định.
Còn nhớ trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Nhật Bản cuối năm 2021, hai bên đã tổ chức Hội nghị đầu tư, giới thiệu tiềm năng, nhu cầu tiếp nhận đầu tư. Tại hội nghị này, 45 biên bản ghi nhớ (MOUs) được ký kết giữa các công ty, tập đoàn của hai quốc gia với trị giá nhiều tỷ USD. Đây là nguồn vốn đang trên đà triển khai, sẽ từng bước được hiện thực hóa trong thời gian tới và chính là đầu vào để bảo đảm sự tăng trưởng đầu tư nước ngoài năm 2022.
Mặt khác, các biên bản ghi nhớ này thể hiện rõ sự tin tưởng của nhà đầu tư Nhật Bản đối với Việt Nam và tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn.
Trong khi đó, cuộc khảo sát do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện gần đây cũng khẳng định quan điểm này khi khoảng một nửa số doanh nghiệp, tập đoàn và doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam xác nhận có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam thông tin, AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai sau Nhật Bản và sẽ tăng tốc phát triển kinh doanh, đẩy mạnh đa dạng hóa các mô hình bán lẻ ở thị trường Việt Nam. Thông qua một số kế hoạch đang được thực hiện, chắc chắn sẽ có thêm nhiều trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị, cửa hàng tiện lợi được mở tại các tỉnh, thành phố.
Theo đánh giá của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Việt Nam có nhiều lợi thế tạo nên sức hút các nhà đầu tư trong làn sóng chuyển dịch dòng vốn quốc tế theo hướng đa dạng hóa về địa bàn. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) cũng sẽ là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy dòng vốn từ khu vực này vào Việt Nam; tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo, dịch vụ chất lượng cao, năng lượng và hạ tầng.
Với những diễn biến của thực tiễn trên, hy vọng kết quả đầu tư nước ngoài sẽ bứt tốc trong năm 2022.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.