(HNM) - Dù đã được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, nhưng sau mỗi trận mưa, người dân ở nhiều khu vực nội thành TP Hồ Chí Minh lại đối mặt với nỗi ám ảnh ngập úng. Đáng nói là nhiều dự án dang dở, chậm tiến độ đã "tiếp tay" cho thực trạng này càng trở nên tồi tệ hơn.
Điệp khúc "mưa là ngập"
Trận mưa lớn gần đây nhất diễn ra đêm 31-5, chỉ trong một giờ đồng hồ nhưng đã gây ngập lớn ở nhiều tuyến đường. Tại khu Bàu Cát (quận Tân Bình), nhiều tuyến đường ngập nặng, kéo dài suốt cả ngày 1-6. Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân gây ngập là do thi công dự án kênh Tân Hóa đã bít dòng chảy và không có phương án dẫn dòng. Tại khu vực đầu đường Hoàng Sa và Trường Sa (quận Tân Bình) - một con đường mới được đưa vào sử dụng với hạ tầng khá đồng bộ nhưng cũng ngập lênh láng mỗi khi mưa xuống.
Trận mưa đêm 31-5 khiến nhiều tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh ngập suốt ngày 1-6. |
Anh Nguyễn Văn Đang ở đường Út Tịch (phường 3, quận Tân Bình) cho biết: "Hệ thống cống khu vực đã cơ bản hoàn chỉnh nhưng cứ mưa lớn là khu vực này lập tức bị ngập. Nước mưa hòa với nước cống bốc lên một mùi hôi nồng nặc, người dân rất khổ sở vì điều này". Trong khi đó, nhiều người dân sinh sống ở khu vực quận 2 và quận 6, nơi có tuyến đường Võ Văn Kiệt - Đại lộ Đông Tây hiện đại nhất, nhì TP, chạy qua với tổng vốn đầu tư gần 15 nghìn tỷ đồng, được đưa vào sử dụng cuối năm 2011, nhiều đoạn cũng bị ngập trắng. Hàng loạt tuyến đường khác cũng vừa hoàn thành việc nâng cấp nhưng tình trạng ngập úng vẫn tái diễn.
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, từ cuối năm 2008 TP có 126 điểm ngập thì đến nay giảm xuống còn 31 điểm, trong đó khu vực nội thành còn 14 điểm. Các điểm ngập còn lại đã giảm nhiều về mức độ, phạm vi. Tổng số lần ngập năm 2011 là 284 (giảm 67% so với 851 lần của năm 2009); thời gian ngập trung bình là 59 phút (giảm 52,8% so với 125 phút của năm 2009). Để chống ngập, TP đã triển khai và hoàn thành 172 công trình chống ngập, gồm các dự án vệ sinh môi trường, cải thiện môi trường nước và nâng cấp đô thị… Tuy nhiên, hiện hệ thống thoát nước trên địa bàn TP vẫn thiếu trầm trọng, chỉ đạt 30% theo yêu cầu.
Bốn hành động chống ngập
Hiện nay, TP đang triển khai khoảng 100 công trình phục vụ công tác chống ngập đến năm 2015, tập trung ở khu vực trung tâm với diện tích khoảng 100km2, thuộc địa bàn các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận và Bình Thạnh; giai đoạn 2016-2020 sẽ giải quyết cơ bản ngập nước tại 5 lưu vực ngoại vi và phần diện tích còn lại. TP cũng tiếp tục xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải, mở rộng phạm vi thu gom nước thải sang địa bàn các quận 4, 6, 8… nâng công suất Trạm bơm Đồng Diều và Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng từ 141.000 m3/ngày đêm lên 469.000 m3/ngày đêm, nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nước trên tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước cho biết, Trung tâm đã đề xuất UBND TP bốn hành động cần tập trung, gồm soạn thảo và ban hành quy chế về không gian dành cho nước; thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và quy trình ứng phó; thiết lập quy trình vận hành hồ chứa đa mục tiêu; ưu tiên hóa việc đầu tư cho công trình thoát nước nội thành, đặc biệt là công suất bơm dự phòng. Trong đó, đề xuất thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và quy trình ứng phó cần thực hiện trước với mục tiêu tiến tới thực hiện dự báo lũ lụt theo thời gian từ 6 đến 48 giờ. Ưu tiên thứ hai, theo ông Dũng là thiết lập quy trình vận hành hồ chứa đa mục tiêu để tăng cường khả năng điều tiết lũ cho các hồ chứa bằng cách đưa các quy định về dung tích phòng lũ nhằm bảo đảm mục tiêu kiểm soát lũ thượng nguồn và mục tiêu về kinh tế của các hồ chứa Dầu Tiếng, Trị An, hồ Phước Hòa, hồ Đại Ninh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.