(HNM) - Một lần nữa vấn đề tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho mạng lưới y tế cơ sở chính là giải pháp căn cơ giúp giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên lại được đề cập.
Vẫn bức xúc quá tải bệnh viện
Thời gian qua, ngành y tế Thủ đô đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tổ chức lại hoạt động của các khoa khám bệnh gắn với thực hiện tốt quản lý chất lượng BV, tạo thuận lợi cho người bệnh đến khám, điều trị, rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Mặt khác, các cơ sở y tế cũng công khai, minh bạch trong thu - chi viện phí để người dân được biết, giảm dần hình thức thanh toán viện phí trực tiếp. Tại các BV có nhiều bệnh nhân nặng như: Đa khoa Xanh Pôn, Đức Giang, Thanh Nhàn, Phụ sản, Hà Đông… đã tổ chức tốt công tác chăm sóc và điều trị cho người bệnh, quan tâm tới đối tượng chính sách, người nghèo. Tuy nhiên, công tác khám chữa bệnh vẫn gặp không ít khó khăn.
Chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội). Ảnh: Viết Thành |
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, tình trạng quá tải bệnh nhân tại một số khoa, phòng của BV tuyến thành phố vẫn đang là vấn đề bức xúc. Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng BV, vệ sinh trong BV cũng gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản hạn chế, không bố trí bảo đảm tiến độ các công trình, dự án đầu tư nâng cấp và xây mới các BV…
Đề cập đến giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, mạng lưới y tế cơ sở vốn gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu với chi phí hợp lý, tránh bệnh nặng mới đi điều trị nhưng hiện có nhiều hạn chế. Vì vậy, trong năm 2015, ngành y tế Thủ đô phấn đấu có 90% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Hiện nay, Sở Y tế đang rà soát trên diện rộng để xây dựng đề án nâng cấp, sửa chữa và xây mới các trạm y tế, trong đó có 214 trạm cần nâng cấp, mở rộng; 82 trạm y tế xây mới với tổng mức kinh phí dự kiến khoảng 1.500 tỷ đồng. "Cùng với việc tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, nâng cao trình độ chuyên môn cho các bác sĩ tại tuyến y tế cơ sở, Sở Y tế còn tập trung xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Cụ thể, mỗi trung tâm y tế sẽ có ít nhất một mô hình phòng khám bác sĩ gia đình", ông Nguyễn Khắc Hiền nói.
Nâng cấp, xây mới nhiều bệnh viện tuyến thành phố
Những tháng cuối năm, thành phố sẽ phát triển mạnh và có chọn lọc các trung tâm y tế chuyên sâu của Thủ đô, mở rộng hợp tác quốc tế về y tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực đào tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ mới trong y học, phát triển các cơ sở khám chữa bệnh hiện đại. Bên cạnh đó, thành phố sẽ hoàn thiện đề án ghép tạng giai đoạn II, cụ thể là ghép gan và ghép tế bào gốc tại BV Đa khoa Xanh Pôn, đồng thời triển khai phẫu thuật nội soi ở 100% các BV đa khoa tuyến huyện. Ngành y tế cũng tiếp tục nâng cao tính công bằng trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các dịch vụ khám chữa bệnh cho người nghèo.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền đề nghị thành phố quan tâm về lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản để xây mới, nâng cấp và hoàn thiện một số BV trên địa bàn. Cụ thể là khởi công BV Nhi Hà Nội vào tháng 10 tới, chuẩn bị đầu tư một số BV như: BV Đa khoa Xanh Pôn cơ sở 2, BV Bệnh nhiệt đới Hà Nội, BV Tim Hà Nội cơ sở 2; hoàn thiện nhằm đưa vào khai thác sử dụng BV Đa khoa Đông Anh, Sóc Sơn, Ba Vì, Đức Giang, cải tạo khoa Nhi BV Đa khoa Xanh Pôn, đồng thời cho phép triển khai dự án BV Đa khoa huyện Thường Tín do cơ sở ngày càng xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân…
Để nâng cao chất lượng chuyên môn cho các đơn vị y tế tuyến cơ sở, đặc biệt là các BV đa khoa tuyến huyện, giúp người dân được hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt ngay tại địa phương, hạn chế chuyển viện, giảm quá tải cho các BV tuyến thành phố và trung ương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, thời gian tới ngành y tế tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề khám, chữa bệnh. Mặt khác, ưu tiên tập trung xây dựng kế hoạch hỗ trợ nâng cao chất lượng chuyên môn khối các BV đa khoa hạng III tuyến huyện, nhất là chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên khoa mũi nhọn cho tuyến y tế cơ sở.
Phấn đấu đến năm 2020, hệ thống các cơ sở y tế công lập, dân lập và các cơ sở y tế trung ương đóng trên địa bàn thành phố đạt tỷ lệ 13,5 bác sĩ/10.000 dân. Cùng với đó là áp dụng các kỹ thuật cao trong công tác khám chữa bệnh để Hà Nội xứng đáng là trung tâm y khoa hàng đầu của đất nước, ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo Sở Y tế Hà Nội, 6 tháng đầu năm, thành phố đã thanh tra, kiểm tra gần 3.800 lượt cơ sở liên quan đến lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh…, trong đó xử phạt 189 cơ sở với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng; đình chỉ hành nghề không phép 54 cơ sở (gồm: 10 cơ sở khám chữa bệnh, 25 cơ sở kinh doanh thuốc, 14 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 1 cơ sở hành nghề y học cổ truyền, 1 cơ sở trồng răng, 3 cơ sở khám chữa bệnh). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.