Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư lớn, hiệu quả thấp

Đào Huyền| 28/04/2011 06:36

(HNM) - Sau 13 năm triển khai dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng (1998-2010) tuy độ che phủ rừng có tăng song chất lượng rừng thấp, việc khai thác bừa bãi và tàn phá rừng ngày thêm nghiêm trọng. Đặc biệt, quy hoạch cắm mốc giới để quản lý, giao đất, giao rừng tại các địa phương còn nhiều bất cập, lỏng lẻo.

Đó là đánh giá được đưa ra tại hội nghị giao ban trực tuyến tổng kết dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng diễn ra ngày 27-4 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng chủ trì cùng lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh có rừng trên cả nước.

Đầu tư lớn, giá trị thấp

Sau 13 năm triển khai dự án, cả nước đã trồng được 2.450.010 ha/5.000.000ha rừng, đạt 49%. Trong đó, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng được 898.072/2.000.000ha, đạt 44,9%, trồng rừng sản xuất được 1.551.922 trên 3.000.000ha, đạt 51,7%. Nếu tính cả diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh tự nhiên (1.283.350ha), tổng diện tích rừng mới đạt 3,75 triệu hécta (đạt 74,6% mục tiêu dự án). Tỷ lệ che phủ rừng của cả nước từ 32% năm 1998 đã tăng lên 39,5% cuối năm 2010. Tuy nhiên, cả diện tích trồng rừng mới lẫn độ che phủ rừng không đạt mục tiêu đề ra.

Một hộ dân ở huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) chăm sóc diện tích rừng trồng. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ NN&PTNT, tổng số vốn đầu tư cho dự án đã giải ngân đến hết năm 2010 là 31.857 tỷ đồng. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đã tiêu tốn trên 30 nghìn tỷ mà chất lượng rừng vẫn đạt thấp là điều đáng báo động. Ngành lâm nghiệp có thể tự hào về con số xuất khẩu gỗ năm 2010 đạt 3,55 tỷ USD nhưng nguồn nguyên liệu không đủ đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, số lượng nhập khẩu gỗ có thể tương đương với kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Do đó, ngoài việc hình thành vùng nguyên liệu, phải nâng cao được chất lượng rừng, tạo vùng nguyên liệu cho ngành kinh tế mũi nhọn này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, diện tích trồng rừng không cán đích là do việc quản lý các dự án tại cơ sở lỏng lẻo, nhiều địa phương có tư tưởng trông chờ vào đầu tư từ ngân sách. Nhiều tỉnh có tình trạng không kiểm soát được quỹ đất nên một số dự án phê duyệt theo quy hoạch, nhưng khi giao ngoài thực địa lại không còn đất vì đã bị lấn chiếm. Nhiều nơi, có tình trạng chạy theo thành tích, đã báo cáo không đúng diện tích, không thống kê chính xác diện tích bị tàn phá dẫn đến chất lượng rừng quá thấp. Công tác bảo vệ rừng (BVR) gặp nhiều khó khăn, các vi phạm trong lĩnh vực quản lý, BVR và quản lý lâm sản vẫn diễn ra ngày thêm gay gắt, phức tạp. Trung bình mỗi năm ngành kiểm lâm phát hiện và xử lý 42.560 vụ vi phạm. Tình trạng phá rừng trái pháp luật để lấy đất, khai thác gỗ, lâm sản đang ở mức báo động đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, nhiều tỉnh thiếu quyết liệt trong việc triển khai các biện pháp BVR. Thiếu sự tham gia phối hợp của các ngành có liên quan và các tổ chức chính trị, xã hội để có chương trình hành động thống nhất. Bên cạnh đó, ý thức người dân về công tác BVR chưa được nâng cao, tập quán sử dụng gỗ rừng tự nhiên nhất là các loại gỗ quý trong dân còn phổ biến. Đáng quan tâm là lực lượng kiểm lâm rất mỏng, với trên 16 triệu hécta rừng và đất lâm nghiệp, trung bình mỗi năm một kiểm lâm phải phụ trách quản lý trên 1 nghìn hécta rừng trong khi lâm tặc vẫn hoành hành.

Rừng và đất rừng phải có chủ thực sự

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng. Phó Thủ tướng nhận định, công tác quy hoạch, rà soát, xác định thực trạng sử dụng đất rừng và diện tích rừng thuộc trách nhiệm các chủ quản lý. Trên cơ sở đó tiến hành giao đất, giao rừng để rừng và đất rừng có chủ thực sự. Mục đích cuối cùng là để rừng phát huy được tác dụng, hiệu quả cao. Do công tác quản lý lỏng lẻo, mà chất lượng rừng trồng đến rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng xung yếu đang ngày một suy thoái. Đồng quan điểm đó, lãnh đạo tỉnh Lai Châu kiến nghị, Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý, lập đề án để rà soát lại việc giao đất giao rừng, việc giao rừng cho hộ, gia đình, lâm trường phải rõ ràng, tránh tình trạng đất lâm nghiệp bị mua đi bán lại.

Để tránh tình trạng giao đất rừng không rõ ràng, các địa phương có rừng cần hoàn thiện hồ sơ về rừng đối với diện tích rừng đã giao, cho thuê. Giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao, cho thuê đất lâm nghiệp, bảo đảm những người có quyền sử dụng đất hợp pháp và sử dụng đúng quyền được giao để quản lý, sử dụng rừng bền vững. Diện tích rừng nào chưa có điều kiện giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cần tiến hành giao quyền sử dụng rừng trước và có hồ sơ quản lý, quy chế sử dụng theo quy định pháp luật. Bộ NN&PTNT yêu cầu UBND các tỉnh có rừng tổ chức rà soát việc giao rừng và cho thuê rừng. Đồng thời, xác định nhu cầu sử dụng rừng, đất lâm nghiệp của địa phương, bảo đảm tất cả diện tích rừng phải có chủ quản lý cụ thể. Hoàn thành giao rừng, cho thuê rừng, đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với rừng vào năm 2015. Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, việc giao đất, giao rừng gặp rất nhiều khó khăn do hầu hết chưa có quy hoạch cụ thể về diện tích rừng, đất lâm nghiệp. Các nông trường, lâm trường phải rà soát lại diện tích rừng hiện có để lập quy hoạch, định hướng phát triển. Bộ TN&MT kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn để các địa phương lập quy hoạch, tránh làm xong rồi để đấy. Lãnh đạo tỉnh Đắc Lắc cho rằng, quy hoạch và khoanh giới cắm mốc rừng là rất quan trọng. Nhiều nơi dân ở lẫn với rừng dẫn đến việc xâm lấn rừng xảy ra thường xuyên. Nếu không điều tra, quy hoạch thì việc tổ chức quản lý và trồng rừng rất khó.

Để khắc phục hạn chế thời gian qua, giai đoạn 2011-2015, các địa phương phải nâng cao trách nhiệm, đẩy mạnh các biện pháp tổ chức, quản lý để trồng mới 450.000ha rừng, trồng lại rừng sau khai thác 600.000ha, khoanh nuôi tái sinh thành rừng 450.000ha với số vốn 24.854 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ đầy khó khăn nhưng các tỉnh phải phấn đấu đạt mục tiêu của Chính phủ. Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, sự nghiệp phát triển và BVR là chủ trương mang tính lâu dài và bền bỉ. BVR phải xác định là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, của toàn dân và liên ngành chứ không chỉ là nhiệm vụ của sở NN&PTNT các tỉnh. BVR phải nâng cao độ che phủ rừng, phát triển rừng gắn với ứng phó BĐKH, giảm nhẹ thiên tai, xóa đói giảm nghèo và xây dựng NTM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư lớn, hiệu quả thấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.