Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư lệch, tiến độ chậm

Nguyễn Mai| 07/10/2011 07:08

(HNM) - Quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) sau 2 năm làm điểm tại nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang lộ rõ những bất cập...


Phân bổ đầu tư chưa hợp lý

Đã hai năm TP Hà Nội triển khai xây dựng mô hình NTM, tại nhiều địa phương, việc xây dựng các công trình đang diễn ra hối hả, làng xã như một "đại công trường", ngổn ngang sắt thép, vật liệu. Kết cấu hạ tầng được đầu tư khá đã làm đổi thay diện mạo nhiều làng quê. Tuy nhiên, thời gian 2 năm làm điểm đã bộc lộ những bất cập như việc chọn dự án đầu tư, ưu tiên việc làm trước, dự án cần thiết rồi việc phân bổ nguồn vốn hợp lý giữa các dự án… đang cần sự điều chỉnh. Thực tế tại 19 xã điểm NTM cho thấy, trong khi các tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng làng văn hóa... cần nhiều thời gian và rất cần thiết thì lại được bố trí kinh phí quá ít ỏi. Đề án NTM của xã Mai Đình (Sóc Sơn) được UBND TP phê duyệt hơn 252 tỷ đồng thì vốn cho xây dựng cơ bản đã "ngốn" hơn 193 tỷ đồng (chiếm trên 76%); vốn cho các hoạt động khác 35 tỷ đồng, chiếm (13,8%) nhưng đầu tư phát triển sản xuất chỉ 24 tỷ đồng (chiếm 9,78%). Đề án xã Song Phượng (Đan Phượng) được phê duyệt gần 300 tỷ đồng thì vốn xây dựng cơ bản lên tới 260 tỷ đồng (chiếm 86,5%); các hoạt động khác 11 tỷ đồng (chiếm 3,9%); đầu tư phát triển sản xuất chỉ 28,5 tỷ đồng (chiếm 9,5%)…


Trồng rau an toàn tại xã Song Phượng (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt

Nguồn vốn dành cho phát triển sản xuất chiếm vị trí khiêm tốn, tiến độ triển khai các dự án này do nhiều nguyên nhân cũng rất chậm. Tại xã Song Phượng, Bí thư Đảng ủy, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã Bùi Văn Minh cho biết, Song Phượng đã hoàn thành 40/73 dự án, trong đó công tác xây dựng hạ tầng đã cơ bản hoàn tất. Hiện Song Phượng có 15/19 tiêu chí hoàn thành và cơ bản hoàn thành, 4 tiêu chí đang rất khó gồm: thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động và hình thức tổ chức sản xuất. Để đạt các tiêu chí này, Song Phượng đã lập các dự án như: quy hoạch hơn 31ha hoa, rau sạch, chuyển 12ha đất hai vụ lúa sang trồng hoa ở thôn Tháp và thôn Thu Quế; quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao 23,6ha ở thôn Thuận Thượng và thôn Thống Nhất; trồng ngô ở khu đồng Vòng... Nhưng đã gần 2 năm trôi qua, các dự án sản xuất này vẫn trong giai đoạn "khởi động". Đặc biệt, dự án rau an toàn hơn 31ha mới có 3ha bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp, còn lại người dân vẫn chưa bàn giao mặt bằng; dự án quy hoạch làng nghề tiểu thủ công nghiệp 10ha vẫn "dậm chân tại chỗ".

Không riêng gì Song Phượng, tại xã Thụy Hương (Chương Mỹ) địa phương làm điểm của trung ương, mặc dù chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc làm điểm nhưng địa phương vẫn còn 4 tiêu chí chưa đạt. Ông Trần Vững, Phó Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ thừa nhận, Thụy Hương mới có cơ sở hạ tầng tốt, các dự án sản xuất cụ thể để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân còn "bấp bênh". Không chỉ đối với các dự án phát triển sản xuất, việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư cũng còn những hạn chế nhất định. Cả xã có 7 thôn hiện mới có 1 thôn được công nhận "làng văn hóa", bên cạnh đó số hộ nghèo còn khá cao.

Tập trung phát triển sản xuất

Đánh giá của BCĐ Chương trình xây dựng NTM Hà Nội cho thấy, triển khai NTM tại các huyện và xã còn chú trọng quá nhiều vào việc lập dự án xây dựng hạ tầng mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác quy hoạch, dồn điền đổi thửa, phát triển sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa, vệ sinh môi trường. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt đánh giá, đề án NTM của các xã hiện quá nặng về xây dựng hạ tầng, nhiều địa phương đã có đường giao thông tương đối tốt thì chưa cần thiết phải thi công mới ngay; trong khi đó mới dành 5% kinh phí đầu tư vào phát triển sản xuất là bất hợp lý.

Đầu tư cho NTM không chỉ dừng lại ở các công trình cơ sở hạ tầng mà phải đầu tư đồng bộ. Qua thực tế thấy rằng, để bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội, điều cốt lõi xây dựng NTM là cần thay đổi phương thức sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Yếu tố này sẽ quyết định đến vấn đề văn hóa - xã hội khác. Muốn nâng cao thu nhập, cần có sự thay đổi về cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất. Diện mạo nông thôn, đời sống người dân chỉ thật sự đổi mới khi hạ tầng tốt, kinh tế bảo đảm, đời sống văn hóa, tinh thần cao. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo NTM Hà Nội Nguyễn Công Soái đã chỉ đạo tại hội nghị giao ban rút kinh nghiệm của Ban chỉ đạo NTM thành phố mới đây: Đầu tư hạ tầng là yếu tố quan trọng thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, đường đẹp mà lúa không tốt, năng suất không vượt trội thì cũng chẳng để làm gì. Do đó, cốt lõi trong xây dựng NTM, các xã cần tập trung dồn điền đổi thửa, quy hoạch bài bản, cơ cấu lại cây trồng, mùa vụ, lựa chọn chủng loại nông sản có giá trị cao bởi mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM là giúp người dân nâng cao thu nhập, có đời sống tinh thần cao. Từ đó, mới tạo động lực, quay lại phục vụ xây dựng NTM. Chưa quan tâm hoặc ít quan tâm đến vấn đề này thì xây dựng NTM sẽ khó thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư lệch, tiến độ chậm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.