Hồi tháng 1, Bloomberg Intelligence nhận định rằng, tài sản ESG toàn cầu có thể vượt qua 41.000 tỷ USD trong năm nay và đạt 50.000 tỷ USD vào năm 2025. Phần lớn sự tăng trưởng này diễn ra ở Mỹ với mức tăng 40% trong 2 năm qua.
Chỉ số S&P 500 ESG (bao gồm các công ty S&P 500 tuân thủ các nguyên tắc của ESG tốt nhất) cũng đã vượt trội hơn S&P 500 trong những tháng gần đây, cho thấy tầm quan trọng của chỉ số này trong việc đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư toàn cầu.
ESG là gì mà nhà đầu tư toàn cầu sôi sục đổ tiền đầu tư?
ESG là cụm từ viết tắt gồm E-Environmental (môi trường); S-Social (xã hội) và G-Governance (quản trị doanh nghiệp), là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Doanh nghiệp có điểm số ESG càng cao tức là năng lực thực hành ESG càng tốt.
Thực tế, thuật ngữ ESG ra đời từ lâu nhưng việc đầu tư vào ESG không được đánh giá quá cao trong thời gian trước. Chỉ mãi đến khi dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019, việc phát triển doanh nghiệp bền vững theo các tiêu chí ESG mới trở thành quyết định mang tính sống còn của doanh nghiệp.
Đại dịch Covid-19 xuyên suốt 2 năm thậm chí còn đẩy nhanh hơn xu hướng này, khiến chiến lược đầu tư chuyển dịch sang các yếu tố ESG nhiều hơn so với các chỉ tiêu tài chính truyền thống. Theo Financial Times, bất chấp nhiều người vẫn đang “bán tín, bán nghi” về ESG, dòng tiền đổ vào các doanh nghiệp tuân thủ ESG đã mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Ông Carsten Stendevad, Giám đốc Đầu tư mảng phát triển bền vững của Quỹ Bridgewater Associates phát biểu trên Financial Times: "Đối với châu Âu nói riêng, tham vọng xanh giờ đây đồng bộ với tham vọng an ninh quốc gia và bảo đảm chủ quyền năng lượng, và động lực này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo vì các quốc gia không muốn phụ thuộc vào một quốc gia khác về năng lượng”.
Theo CME Group, khi hệ sinh thái ESG phát triển và số lượng nhà đầu tư tăng lên, các khoản đầu tư vào ESG phải theo kịp tốc độ. Mặc dù bộ chỉ số S&P 500 ESG mới ra đời hơn 2 năm nhưng đã tăng trưởng vượt trội so với chỉ số "gốc" S&P 500.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp lấy tiêu chuẩn ESG làm giá trị cốt lõi trong hoạt động kinh doanh đang được giới đầu tư rót mạnh tiền đầu tư, đẩy giá cổ phiếu tăng nhanh so với các công ty khác.
Cũng theo thống kê của CME Group, khối lượng giao dịch trung bình hằng ngày trong hợp đồng tương lai E-mini S&P 500 ESG trong quý đầu tiên của năm 2022 đã tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái và đã tăng đều đặn kể từ khi hợp đồng ra mắt vào tháng 11 năm 2019.
Nhà đầu tư Việt “nhận diện” đầu tư ESG như thế nào?
Tại Việt Nam, từ năm 2017, Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) đã ra mắt Chỉ số phát triển bền vững Việt Nam (VNSI) gồm 20 công ty có điểm số phát triển bền vững cao nhất được niêm yết trên sàn HoSE. Tuy nhiên, chỉ số VNSI lẫn khái niệm ESG vẫn còn khá xa lạ với các nhà đầu tư Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Dũng, một nhà đầu tư, môi giới có 16 năm kinh nghiệm cho biết, đa phần nhà đầu tư chưa nhìn thấy cơ hội. Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm rất tốt chuẩn mực ESG nhưng dòng tiền dường như đang mải mê với những "game" ngắn hạn. Cổ phiếu VNM (Vinamilk) là ví dụ.
Vinamilk là một trong số rất ít doanh nghiệp Việt quan tâm và đầu tư vào ESG từ nhiều năm trước. Từ năm 2012, doanh nghiệp này đã công bố báo cáo phát triển bền vững thường niên, trình bày minh bạch các chuẩn mực ESG được Công ty tuân thủ và đo lường kết quả theo mô hình Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và báo cáo theo GRI - Tiêu chuẩn toàn cầu về báo cáo phát triển bền vững. Từ năm 2017, VNM liên tiếp được đánh giá thuộc tốp 20 cổ phiếu xanh VNSI, với tổng điểm ESG đánh giá đạt 90%.
Vinamilk hiện bắt đầu gặt hái nhiều kết quả từ quá trình đầu tư ESG liên tục. Nhiều năm trước, Vinamilk đã đầu tư các trang trại theo nhiều hệ tiêu chuẩn cao của quốc tế như Organic châu Âu, Global G.A.P (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu)... Đến nay, Vinamilk đã có hàng trăm héc-ta đất đạt chuẩn hữu cơ Organic châu Âu, phương pháp canh tác này giúp bảo vệ tài nguyên đất, vốn là tài nguyên quý giá nhất của nông nghiệp.
Hay việc áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, kết hợp với năng lượng xanh như năng lượng mặt trời, Biomass, CNG… tại hệ thống trang trại, nhà máy giúp tiết kiệm đáng kể chi phí nhiên liệu.
Việc Vinamilk tích hợp ESG vào kế hoạch chiến lược cũng giúp quản trị rủi ro tốt hơn. Yếu tố G (Governance - Quản trị doanh nghiệp) được đánh giá rất mạnh, mô hình 3 tuyến phòng vệ theo thông lệ quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ của Vinamilk nhằm bảo đảm tính khách quan và độc lập trong việc đánh giá các quy trình quản lý quản trị.
Chia sẻ thêm về xu hướng đầu tư ESG trên thị trường chứng khoán, bà An Nguyễn, chuyên gia phân tích tại Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thông tin: “Yếu tố ESG của một doanh nghiệp đang ngày càng được cân nhắc đưa vào quyết định phân tích đầu tư ở thị trường Việt Nam, với mục đích cung cấp góc nhìn rộng hơn về rủi ro và cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của một công ty. Bên cạnh đó, thực hành ESG là một trong những điểm cộng giúp một công ty có ưu thế trong việc thu hút vốn đầu tư lớn từ nước ngoài với những ưu đãi về lãi vay và các điều khoản khác như nguồn vay từ Asian Development Bank (ADB) hoặc phát hành trái phiếu xanh (Green bond)”.
Những biến động thất thường trên thị trường chứng khoán hiện nay đã khiến nhiều nhà đầu tư nhìn nhận lại chiến lược đầu tư. Xu hướng đầu tư vào doanh nghiệp có nền tảng quản trị tốt, trách nhiệm với môi trường, xã hội với mục tiêu phát triển bền vững được dự báo sẽ rõ rệt hơn trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.