Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư cho thanh niên - đầu tư cho tương lai

Thu Trang| 11/07/2014 06:51

(HNM) -


Ngăn chặn tình trạng mang thai sớm

Theo thống kê của UNFPA, hằng năm thế giới có khoảng 16 triệu trẻ em gái trong độ tuổi 15-19 sinh con và cứ 10 trẻ vị thành niên thuộc nhóm tuổi này thì có 9 trẻ lập gia đình. Tại Việt Nam, hiện tượng phá thai ở tuổi vị thành niên không phải chuyện hiếm gặp. Theo nhận định chung, dù tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây đã giảm nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên và thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng, hiện chiếm hơn 20% trong tổng số ca nạo phá thai. Thống kê của Hội KHHGĐ Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 nghìn ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó có 60-70% là học sinh, sinh viên.

Đoàn viên thanh niên quận Ba Đình chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền sức khỏe sinh sản trước khi phát tờ rơi. Ảnh: Bảo Lâm


Theo đánh giá của Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Dương Quốc Trọng, tại nước ta, nhóm dân số trẻ, đang bước vào đời sống tình dục và sinh sản chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số. Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn chưa có giải pháp hiệu quả trong việc hạn chế số hiện tượng mang thai ở tuổi vị thành niên, phá thai không an toàn, tử vong mẹ, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm HIV. Các nghiên cứu liên quan cho thấy, chỉ có 20,7% trẻ vị thành niên sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở trẻ vị thành niên ngày càng sớm. Mặt khác, hơn 1/3 số thanh - thiếu niên Việt Nam chưa được tiếp cận với các phương tiện và biện pháp tránh thai an toàn… Chính vì vậy, số trường hợp có thai ngoài ý muốn và số ca nạo phá thai không an toàn vẫn còn ở mức cao, đặc biệt là với nhóm thanh niên chưa kết hôn.

Mới đây, Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) đã công bố kết quả khảo sát nhanh về thực trạng sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên, được tiến hành trong năm 2014 với sự tham gia của gần 250 học sinh tại 2 trường THCS tại Hà Nội. Thông tin cho thấy, có gần 70% số học sinh được hỏi khẳng định rằng cha mẹ chưa từng nói chuyện về giới tính, SKSS với các em trong vòng một năm qua; 18% khẳng định cha mẹ không lắng nghe các em chia sẻ; 29% nói rằng bố mẹ có lắng nghe nhưng không trao đổi gì thêm; 7,3% cho biết bố mẹ đã đưa ra những lời răn đe và điều đó khiến các em cảm thấy thất vọng… Theo bà Lê Thị Lan Anh, chuyên viên CCIHP, nhiều thanh niên chưa được tham gia vào quá trình ra quyết định đối với những vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Trong việc giáo dục giới tính, việc cha mẹ né tránh, nhà trường thờ ơ đã khiến trẻ em phải "tự bơi", hậu quả là nhiều bạn trẻ quan hệ tình dục quá sớm, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, lạm dụng tình dục, phá thai không an toàn.

Giáo dục lối sống lành mạnh

Vị thành niên, thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước. Xây dựng khát vọng, hoài bão và tư tưởng "sống đẹp, sống có ích, sống lành mạnh" cho giới trẻ là một trong những điểm cốt lõi trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nhiều năm qua, Hà Nội luôn thể hiện sự quan tâm nhiều tới công tác chăm sóc SKSS cho giới trẻ. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban chỉ đạo công tác DS - KHHGĐ Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, từ năm 2010 đến 2013, thành phố đã triển khai 56 mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tại 26 quận, huyện, thị xã. Bên cạnh đó, hàng trăm mô hình CLB chăm sóc SKSS vị thành niên, mô hình tư vấn tiền hôn nhân… đã được duy trì và mở rộng. Những chương trình này đã giúp cho vị thành niên, thanh niên tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS; những người chuẩn bị kết hôn được cung cấp kiến thức và kỹ năng liên quan trước khi kết hôn, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Tuy nhiên, trong tương lai gần, Việt Nam cần có thêm giải pháp nhằm cải thiện chất lượng công tác DS - KHHGĐ. Theo ông Dương Quốc Trọng, cần có giải pháp đầu tư mang tính chiến lược về giáo dục giới tính toàn diện kết hợp với cung cấp dịch vụ SKSS và dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho thanh niên và vị thành niên. Điều quan trọng là cần bảo đảm rằng các dịch vụ này được cung cấp tới thanh niên và vị thành niên một cách tế nhị, bí mật, không mang tính phán xét, không bao hàm sự phân biệt đối xử và phù hợp với các quy định quốc tế.

Ngày 10-7, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới (11-7). Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Dương Quốc Trọng, chủ đề của Ngày Dân số thế giới năm 2014 "Đầu tư cho thanh niên" mà UNFPA đưa ra rất phù hợp với chủ trương của nước ta. Đây là dịp tốt để nhìn nhận lại thực trạng công tác thanh niên, vai trò của thanh niên.

*Tối 10-7, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức hoạt động nghệ thuật hưởng ứng kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 2014 nhằm tuyên truyền cho người dân, nhất là giới trẻ có kỹ năng sống, biết bảo vệ sức khỏe sinh sản và có thêm kiến thức về DS-KHHGĐ.


Xuân Lộc
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư cho thanh niên - đầu tư cho tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.