Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư cho giáo dục tại Việt Nam có xu hướng tăng đều trong 10 năm qua

Theo TTXVN| 09/08/2022 06:43

Tại Hà Nội, ngày 8-8, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tổ chức Hội thảo “Công bố Báo cáo phân tích ngành Giáo dục 2011-2020” nhằm đánh giá những thành tựu phát triển giáo dục của Việt Nam trong 10 năm qua và đề xuất định hướng, chính sách phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030.

Tại hội thảo, nhận định chung về chất lượng giáo dục phổ thông Việt Nam, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: Giáo dục Tiểu học đã thành công trong việc trang bị cho học sinh lớp 5 các kỹ năng đọc, viết và làm toán cơ bản. Cụ thể, 70-84% học sinh lớp 5 đạt chuẩn tối thiểu môn toán (trắc nghiệm) và tiếng Việt (năm học 2013-2014). Tuy nhiên, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông không duy trì được tỷ lệ này. Ví dụ, năm học 2013-2014, chỉ 45% học sinh lớp 9 tại Việt Nam đạt chuẩn môn toán, con số này với môn tiếng Anh là 53%. Đến lớp 12 (năm học 2014-2015), tỷ lệ đạt chuẩn toán cao hơn, đạt 52% nhưng tiếng Anh chỉ 40%.

Đáng chú ý, một số ngành nghề, trình độ của sinh viên tốt nghiệp của những cơ sở đào tạo hàng đầu như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội… đã tiếp cận trình độ sinh viên tốt nghiệp của các trường đại học trong khu vực... Từ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, nhóm nghiên cứu Báo cáo phân tích ngành giáo dục giai đoạn 2011-2022 đề xuất, cần phát triển giáo dục đại học theo hướng tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao có khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, có tư duy đổi mới sáng tạo và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội và nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Về tài chính, đầu tư cho giáo dục tại Việt Nam có xu hướng tăng đều trong 10 năm qua, đạt hơn 18% tổng chi ngân sách nhà nước nhưng thấp hơn so với mức 20% được đề ra. Chi ngân sách bình quân trên mỗi học sinh mầm non và phổ thông tương đối đồng đều. Tuy nhiên, chi ngân sách bình quân trên mỗi sinh viên ở bậc đại học còn thấp so với quốc tế. Tỷ lệ học sinh, sinh viên được miễn học phí ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học còn thấp.

Tính trung bình, gia đình đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho học sinh (mầm non, tiểu học, phổ thông) đi học và mức đóng góp có xu hướng tăng dần theo cấp học. Trong đó, chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông. Đối với tiểu học là 32%; trung học cơ sở là 42% và trung học phổ thông là 43%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư cho giáo dục tại Việt Nam có xu hướng tăng đều trong 10 năm qua

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.