Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư chiều sâu

Ngọc Tiến| 04/03/2012 07:05

(HNM) - Phát biểu tại hội nghị "Thực hiện chính sách pháp luật về khai thác khoáng sản gắn với môi trường" do Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 2-3 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng ban Quản lý các dự án than Đồng bằng sông Hồng (Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam) cho rằng, "chúng ta không nên xuất khẩu khoáng sản thô". Ở góc độ vĩ mô, ý kiến của ông Sơn xem ra có lý...


Trong nhiều năm liền, tăng trưởng kinh tế của nước ta luôn đạt ở mức cao. Cụ thể từ năm 2001 đến 2005, tăng trưởng GDP bình quân là 7,51%, giai đoạn từ 2006 đến 2010 là 7%. Thậm chí ngay cả năm 2011, năm cực kỳ khó khăn của nền kinh tế Việt Nam thì tăng trưởng GDP vẫn ở mức ấn tượng: 5,89%. Tuy nhiên tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng đầu tư, đất đai, nhân công lao động rẻ và xuất khẩu nguyên liệu thô! Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng kiểu này là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng?

Là nước đang phát triển, Việt Nam không thể không đầu tư vì không đầu tư sẽ không có tăng trưởng trong tương lai và không tạo ra việc làm. Nhiều năm qua, tỷ trọng đầu tư toàn xã hội tăng nhanh nhưng không thể vượt qua giới hạn an toàn mà Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ quốc tế đã khuyến cáo. Tài nguyên đất đai cũng đã được khai thác khá nhiều, trong đó có cả đất nông nghiệp thuộc loại "bờ xôi ruộng mật". Tính đến thời điểm này, dù giá nhân công ở Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực nhưng không còn là một lợi thế. Lạm phát trong năm 2011 ở mức cao khiến thu nhập của người lao động không đủ sống nên nhiều công nhân đã bỏ việc và chuyện chưa từng thấy đã diễn ra là sau Tết Nhâm Thìn 2012, không ít doanh nghiệp ở Bình Dương đã kê bàn ngoài quốc lộ "lôi kéo" lao động. Về xuất khẩu nguyên liệu thô, dù cà phê, hạt điều đã được các doanh nghiệp chế biến thành sản phẩm song vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với hàng triệu tấn cà phê, hạt điều, hạt tiêu… thu hoạch mỗi niên vụ.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có 5.000 mỏ và điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản. Thực tế, các điểm khai thác vàng, titan, quặng sắt... nhỏ lẻ ở nhiều tỉnh trên cả nước dù được cấp phép với điều kiện phải hoàn thổ sau khai thác nhưng nhiều doanh nghiệp phớt lờ thực hiện và hậu quả là rất nặng nề: Ô nhiễm môi trường do sử dụng hóa chất, dòng chảy của nhiều con suối bị chặn lại nên vào mùa khô, ở cuối nguồn không có nước; bị đổi dòng qua khu vực đất canh tác khiến nông dân mất đất; đất mặt bị trôi...

Dù có đóng góp "nóng" tức thời vào ngân sách địa phương nhưng ngoài thiệt hại kể trên, còn gây thiệt hại cho quốc gia. Tạm dừng hoặc cấm xuất khẩu khoáng sản thô theo dạng "mì ăn liền" có thể giảm thu ngân sách địa phương trong một vài năm nhưng sẽ buộc các doanh nghiệp phải đầu tư trang thiết bị để chế biến đầu tư chiều sâu, điều này sẽ mang lại giá trị lớn hơn. Song quan trọng nhất là góp phần thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững, giữ tài nguyên cho các thế hệ con cháu mai sau phát triển kinh tế cuối thế kỷ XXI.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư chiều sâu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.