Sau khi sửa chữa xong mặt cầu Thăng Long, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đầu tư hệ thống cân tự động để kiểm soát xe quá tải qua cầu nhằm đảm bảo tuổi thọ cho công trình.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho phép đầu tư dự án lắp đặt hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe cố định, tự động để kiểm soát xe quá tải qua cầu Thăng Long.
Đề xuất trên được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải về tập trung sửa chữa mặt cầu Thăng Long và triển khai lắp đặt hệ thống cân điện tử để khai thác đồng thời với dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long khi hoàn thành.
Theo đó, hệ thống kiểm soát xe quá tải sẽ được lắp đặt trên 2 chiều đường, có thể lắp đặt ở đầu cầu phía Bắc hoặc phía Nam; sẽ có 4 bộ cân được lắp đặt, mỗi chiều đường lắp đặt 2 bộ để kiểm soát 100% xe chở quá tải qua cầu Thăng Long.
Tốc độ xe qua cân được thiết kế nhỏ hơn 80 (phù hợp với tốc độ xe cho phép khi qua cầu). Sai số cho phép nhỏ hơn 5% cho mọi tốc độ trong phạm vi nêu trên. Hệ thống cân sẽ được vận hành tự động, và kết nối với phần mềm quản lý tập trung dữ liệu kiểm soát tải trọng xe của Tổng cục Đường bộ. Hệ thống cân đảm bảo hoạt động ổn định tối thiểu 10 năm.
Tổng kinh phí dự án được đề xuất khoảng 35 tỷ đồng từ nguồn vốn bảo trì đường bộ.
Thông qua kết quả cân, lực lượng chức năng sẽ căn cứ để xử “phạt nguội” vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và Nghị định số 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết dự kiến trong tháng 7-2020 sẽ tiến hành sửa chữa hư hỏng mặt cầu Thăng Long.
"Tổng mức đầu tư của dự án là gần 270 tỷ đồng. Hiện, Tổng cục Đường bộ đang chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu chọn nhà thầu trong tháng 6, bắt đầu khởi công thi công trong tháng 7, hoàn thành sửa chữa cầu vào cuối năm nay", ông Huyện cho hay.
Đề cập giải pháp công nghệ sửa chữa lần này, ông Huyện cho biết sẽ cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép, đồng thời sẽ hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép, lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao.
Sau đó, các đơn vị sẽ thi công lớp phủ gốc nhựa tạo nhám và êm thuận. Đặc biệt, trong lần sửa chữa lần này, Tổng cục cũng sẽ sửa các khe co giãn đã hư hỏng để khi sửa xong sẽ tăng cường lực có tuổi thọ công trình 10 năm.
"Công nghệ này được Tổng cục Đường bộ nghiên cứu 2 năm nay trên cơ sở tiếp thu công nghệ của nhiều nước đã áp dụng", ông Huyện thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.