(HNM) - Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định:
(HNM) - Với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: "Chúng ta kiên quyết không để một tấc đất, tấc biển nào của Tổ quốc bị xâm phạm. Đối với bất cứ người Việt Nam nào, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm…" Kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam, mặt khác, kiên trì giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng đất nước; giữ quan hệ láng giềng hữu nghị với nhân dân Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là lâu dài, gian khổ, đòi hỏi chúng ta phải kiên quyết, nhưng phải bình tĩnh, kiên trì nhằm đạt hiệu quả".
1. Sau khi Liên Xô tan rã, thế giới không còn "chiến tranh lạnh", không còn những cuộc chạy đua vũ trang rầm rộ, nhưng vẫn chưa nguôi tiếng súng. Một trật tự thế giới mới đang hình thành nhưng chưa thể định hình, trong sự biến động mạnh mẽ của một thế giới đa cực và toàn cầu hóa, nhân loại đang sống trong sự đan xen giữa xung đột, đấu tranh và hợp tác, phát triển. Nhìn vào cuộc chiến Iraq trước đây và cuộc khủng hoảng tại Ukraine hiện nay không chỉ cho thấy những mâu thuẫn giữa các nhóm nước phương Tây trong ngôi nhà chung của "Lục địa già", những xung đột lợi ích giữa hai cường quốc luôn là đối thủ trên bàn cờ quốc tế Mỹ - Nga… mà còn cho thấy xu hướng thỏa hiệp vì lợi ích của mỗi quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề "nóng" của quốc tế. Có thể nói, trong "thế giới phẳng", đối thoại và hợp tác đã trở thành xu thế tất yếu bởi nó là môi trường không thể thiếu cho sự phát triển. Thế giới đã hình thành một diễn đàn đối thoại, một thị trường đầu tư, không gian sản xuất - kinh doanh liên hoàn mà tất cả các quốc gia đều có thể tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh những gam màu sáng của hợp tác và phát triển, bức tranh thế giới vẫn còn rất nhiều khoảng tối. Những nguy cơ tiềm ẩn đang lớn dần và ngày càng đe dọa nền hòa bình của toàn nhân loại.
"Thế giới phẳng" nhưng không phẳng lặng. Các thế lực cường quyền đã và đang triển khai nhiều học thuyết bất chấp chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc. Đó là chủ nghĩa tự do mới, Hiệp định đầu tư đa phương (MAI)... thực chất là quá trình mở rộng thị trường cho các tập đoàn tư bản độc quyền và thủ tiêu quyền tự chủ, độc lập kinh tế của các quốc gia kém phát triển. Đó là các học thuyết: Vượt trên ngăn chặn, diễn biến hòa bình, sáng kiến phòng thủ chiến lược; các học thuyết nhân quyền cao hơn chủ quyền, nhằm can dự vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền. Đó là các cuộc xâm lăng văn hóa một cách thô bạo… Nguy hiểm hơn là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, bá quyền nước lớn đang làm "nóng" vấn đề chủ quyền ở nhiều không gian địa chính trị. Việc Trung Quốc vẽ ra "đường lưỡi bò" ở Biển Đông và hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là ví dụ điển hình.
Trong một thế giới đa cực và không hề phẳng lặng ấy, ranh giới ý thức hệ, tôn giáo, lý tưởng, cùng chung chế độ xã hội... không còn nhiều ý nghĩa, thay vào đó là những điểm tương đồng về lợi ích quốc gia. Đây chính là cơ sở quan trọng nhất cho việc thiết lập quan hệ giữa các quốc gia hay nhóm quốc gia. Từ những vấn đề quốc tế "nóng bỏng" diễn ra trong thời gian gần đây, có thể nhận định: Nếu không có lợi, các nước sẽ không đối đầu, không can dự, không đứng về phía nào. Ngược lại, để bảo vệ lợi ích quốc gia, nhiều nước, nhất là các cường quốc, sẵn sàng thị uy, trừng phạt, thậm chí huy động lực lượng quân sự tấn công, xâm chiếm lãnh thổ… Các quốc gia đều đặt lợi ích của mình lên bàn cân, do vậy, chúng ta chạnh lòng bởi những tiếng nói yếu ớt từ những quốc gia bè bạn khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nhưng, trong bối cảnh thế giới hiện nay, chúng ta không ảo tưởng với những sự trợ giúp của bất cứ thế lực nào.
2. Từ những vấn đề nêu trên có thể nhận định: "Thế giới phẳng" của nhân loại luôn ăm ắp mâu thuẫn giữa hợp tác và đấu tranh. Tuy nhiên, ở một điểm nhìn khác, đấu tranh, xóa bỏ mâu thuẫn để hợp tác cùng có lợi đang là xu thế của thời đại. Chủ động "hội nhập" và xác định quá trình hội nhập là vừa hợp tác vừa đấu tranh, Đảng, Nhà nước ta chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các nước, nhưng dứt khoát không để phụ thuộc vào bất cứ nước nào trong cả kinh tế và chính trị…
Độc lập tự chủ về kinh tế có ý nghĩa nền tảng để giữ vững độc lập dân tộc, bảo đảm sự bền vững của độc lập tự chủ về chính trị. Nói cách khác, trong bối cảnh hiện nay, trọng tâm của bảo vệ chủ quyền quốc gia là tăng cường toàn diện năng lực tự chủ của toàn bộ nền kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Có rất nhiều vấn đề chúng ta đã làm, đang làm và sẽ phải nỗ lực hơn nữa để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển hài hòa với những ưu thế nhất định trong kinh tế tri thức của nhân loại. Nhưng trước hết, các nhà quản lý và giới doanh nhân cần thay đổi tầm nhìn và cách tư duy, đặc biệt là tư duy cạnh tranh. Trong một thế giới toàn cầu hóa, sức cạnh tranh của nền kinh tế phụ thuộc vào việc những sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu của nền kinh tế ấy. Việt Nam có bao nhiêu sản phẩm có đẳng cấp thế giới, có bao nhiêu sản phẩm tạo được sự tín nhiệm đối với thế giới? Kinh tế Việt Nam sẽ đóng vai trò gì trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng và đa dạng như hiện nay? Nếu không có định vị quốc gia (nói theo ngôn ngữ của hội nhập), một chiến lược tổng thể phù hợp với tiềm năng của đất nước, với xu hướng phát triển của thời đại, rất khó để nói đến việc xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự cường.
Những thách thức từ bên ngoài buộc chúng ta vừa phải phát triển các ngành kinh tế có ý nghĩa sống còn, bảo đảm tính ổn định của đất nước, vừa phải tập trung đầu tư những ngành mũi nhọn để tạo ra đột phá trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Nếu chúng ta không có những giải pháp đồng bộ, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tiềm lực công nghệ, năng lực tài chính… chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh sòng phẳng với những tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh. Và như vậy, chúng ta không thể đấu tranh và cũng không thể hợp tác bình đẳng để cùng phát triển với các nền kinh tế giàu tiềm lực của thế giới. Kinh tế Việt Nam sẽ bị sự chi phối bởi các nền kinh tế lớn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị đốn ngã trong cuộc đấu khắc nghiệt của thị trường cạnh tranh.
3. Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng xuất phát từ lợi ích kinh tế, lợi ích dân tộc của một quốc gia - một quốc gia đang trỗi dậy muốn khẳng định vị thế nước lớn trong một trật tự thế giới mới. Thế nhưng, những việc làm ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc đã, đang và tiếp tục làm tổn thương những dân tộc khác. Nguy hiểm hơn, nó châm ngòi cho những bất ổn và đe dọa nghiêm trọng đến an toàn, an ninh hàng hải tại Biển Đông. Trước những yêu sách không thể chấp nhận của phía Trung Quốc, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần khẳng định: Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng... Và mới đây, tiếp ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác với Trung Quốc; mong muốn giữ gìn, củng cố và không ngừng làm cho quan hệ Việt - Trung phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích cơ bản và lâu dài của nhân dân hai nước... Nhưng, Tổng Bí thư cũng khẳng định: Lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi.
Chủ quyền quốc gia được định hình từ mồ hôi, công sức, từ nước mắt và máu xương của biết bao thế hệ người Việt đã trở thành thiêng liêng trong tâm thức dân tộc nên với Việt Nam, lập trường về chủ quyền "là không thay đổi và không thể thay đổi". Việt Nam đã, đang và sẽ phải sống chung với "người láng giềng" là một quốc gia lớn giàu tiềm lực, ngàn năm qua không nguôi khát vọng bá quyền và đang trỗi dậy trong một thế giới mới. Đấu tranh với những hành động gây hấn của Trung Quốc để bảo vệ quyền độc lập, tự chủ, nhưng chúng ta cũng mong muốn và sẵn sàng hợp tác vì lợi ích của nhân dân hai nước Việt - Trung. Chúng ta hiểu rất rõ rằng: Cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là lâu dài, gian khổ, phải kiên quyết nhưng đồng thời cũng phải bình tĩnh, kiên trì.
Đấu tranh, giải quyết mâu thuẫn lợi ích để hợp tác và phát triển là xu thế chung của thời đại. Là một quốc gia có trách nhiệm với sự phát triển của thế giới, Việt Nam không đi ngược xu thế đó. Với chính nghĩa và lẽ phải, Việt Nam sẽ làm tất cả để bảo vệ chủ quyền, quyền tự chủ và tự quyết của dân tộc trong môi trường hòa bình. Hòa bình là khát vọng của toàn nhân loại cũng là khát vọng của hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Biển Đông tiếp tục nổi sóng, có lẽ mấy chục năm qua chưa bao giờ vùng biển có vị trí địa lý quan trọng và giàu tài nguyên này cần có hòa bình và mong muốn hòa bình đến như vậy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.