(HNM) - Bức bình phong che phủ hoạt động tội ác được vạch trần cho thấy tính chất nguy hiểm của tội phạm có tổ chức...
Sau khi các đối tượng bị bắt, cơ quan CA tiếp tục nhận được nhiều đơn tố cáo băng nhóm tội phạm núp bóng doanh nhân thành đạt này. Bức bình phong che phủ hoạt động tội ác được vạch trần cho thấy tính chất nguy hiểm của tội phạm có tổ chức...
Cơ quan công an tiến hành khám xét tại Công ty TNHH Đại An. Ảnh: Minh Quang |
Nguy hại khôn lường
Vụ bắt giữ Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh "Sâm" SN 1960, ở phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; Giám đốc Công ty TNHH Đại An) và Nguyễn Thành Hưng (SN 1953, ở xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Thành Hưng) trong vụ án trên khiến dư luận liên hệ đến 2 vụ án đình đám một thời. Ở Hà Nội là vụ án trùm giang hồ Khánh "trắng" và ở TP Hồ Chí Minh là vụ án Năm Cam. Có một điểm chung giữa các vụ án này là các trùm giang hồ đều xảo quyệt khi xây dựng hình ảnh mình thành doanh nhân tài ba, thành đạt, "có trách nhiệm xã hội". Tuy nhiên, thế hệ "trùm xã hội đen" như Nguyễn Ngọc Minh hiện nay có phần cao tay hơn về vỏ bọc và cũng nguy hiểm hơn về tính chất hành vi và mức độ ảnh hưởng. Về vỏ bọc, Nguyễn Ngọc Minh có hẳn trong tay một doanh nghiệp lớn, kinh doanh ngành nghề không liên quan đến lĩnh vực "nhạy cảm". Doanh nghiệp này được người ngoài đánh giá là có tiềm lực, có khả năng huy động vốn cao, tham gia những dự án lớn. Không mấy người biết là để xây dựng và điều hành doanh nghiệp có uy lực đó, Nguyễn Ngọc Minh đã gây ra nhiều vụ phạm pháp, từ buôn lậu đến cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích... Lấy nguồn lực phi pháp để phát triển doanh nghiệp, Nguyễn Ngọc Minh dần thao túng thị trường gỗ tại địa phương, tham gia và lũng đoạn hoạt động xã hội một vùng.
Tương tự như cách thức của Minh, tội phạm ở nhiều địa phương khác cũng đã và đang có xu hướng hình thành ổ nhóm "xã hội đen" rất nguy hiểm. Thời gian qua, CA đã triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm như băng nhóm Tú "khỉ" (ở Hưng Yên), Hùng "máu", Vi "ngộ" (Thanh Hóa), Dũng "mặt sắt" (ở Quảng Ninh), Tộ "tích" (Hải Phòng), Tý "điên" (ở TP Hồ Chí Minh)... Cách đây chưa lâu, tháng 7-2014, tỉnh Đắc Lắc tổng kết chuyên án TX1212, khám phá đường dây các đối tượng hình sự câu kết với nhau hình thành các băng tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", gây ra hàng loạt các vụ phạm pháp hình sự như: Cướp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, bảo kê cầu đường, bảo kê thu mua nông sản, vận chuyển gỗ trái phép và chặt phá hủy hoại hàng nghìn héc-ta rừng. Đặc biệt là khi đã có tiềm lực tài chính và uy thế các băng nhóm này còn kích động người dân biểu tình, khiếu kiện đông người, kéo ra tận Hà Nội, khiến an ninh chính trị, TTATXH hết sức phức tạp. Kết thúc điều tra chuyên án này, CA đã khởi tố đến 24 vụ án với 102 bị can, trong đó có 10 vụ án hình sự (54 đối tượng), 14 vụ án kinh tế (48 đối tượng).
Vậy ở Hà Nội có băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen" không? Có thể nói, từ sau khi nhóm Dương Văn Khánh (Khánh "trắng") bị bắt (tháng 5-1996), trên địa bàn thành phố chưa có ổ nhóm "máu mặt" nào bị phát hiện. Nhưng theo báo cáo mới nhất của BCĐ 138 thành phố, hoạt động của các ổ nhóm tội phạm có tổ chức vẫn tiềm ẩn phức tạp. Thủ đoạn chủ yếu của các nhóm này là tham gia vào việc lập các bến bãi trái phép, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, siết nợ, đòi nợ thuê, bảo kê, khủng bố bằng chất bẩn, đặt vòng hoa, đe dọa giết người để lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Gần đây nhất, tháng 6-2014, CA quận Hoàng Mai bắt ổ nhóm Bùi Quang Đạt (SN 1990) cùng đồng bọn. Nhóm này mở công ty cho thuê tài chính làm vỏ bọc, thực chất hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, bảo kê cho các xe đổ phế thải vật liệu xây dựng, cướp tài sản của một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận Hoàng Mai.
Kiên trì và quyết liệt trong đấu tranh
Dù vỏ bọc có kín đáo, hào nhoáng đến đâu thì hành vi của các ổ nhóm "xã hội đen" cũng có chỗ sơ hở bởi tự thân các hành vi phạm tội đã làm ảnh hưởng đến ANTT tại địa phương, đe dọa sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân. Nhưng thực tế là thời gian qua, tại không ít địa phương, chính quyền, CA đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức thậm chí là có hành vi tiêu cực, tiếp tay. Người dân bị tội phạm tấn công vì thế không dám trình báo, tố giác. Tội phạm được thể càng lộng hành, tung tin đã "mua" được chính quyền, CA, gây mất niềm tin trong nhân dân.
Trong khi đó công tác điều tra, khám phá những ổ nhóm tội phạm có tổ chức, kiểu "xã hội đen" cũng không dễ dàng, thường phải kéo dài. Trong chuyên án Nguyễn Ngọc Minh, trinh sát bắt đầu thu thập chứng cứ từ tháng 5-2013 để hơn một năm sau mới phá án. Còn với chuyên án TX1212 kể trên, cơ quan CA cũng phải mất gần một năm mới bắt giữ hết các đối tượng. Việc điều tra luôn phải nằm trong bí mật vì các "ông trùm" đều có nhiều mối quan hệ, đã nhiều năm xây dựng vỏ bọc là doanh nghiệp thành công, có đóng góp cho xã hội; hành vi gây án nhìn chung là kín đáo, hiếm khi thành trọng án khiến dư luận, cơ quan CA chú ý...
Thực tế cho thấy để đấu tranh với tội phạm có tổ chức đòi hỏi phải dày công, kiên trì và quyết liệt. Cuối năm 2013 và ngay đầu năm 2014, Bộ CA và CATP Hà Nội đã thành lập BCĐ giải quyết tình hình tội phạm có tổ chức. Đây là bước đi mới, thể hiện việc cơ quan chức năng xác định rõ mức độ nguy hiểm và diễn biến phức tạp, đồng thời thể hiện quyết tâm đấu tranh với loại tội phạm này theo hướng chuyên sâu. Song, nếu không có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, không có sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thì chắc chắn hiệu quả của công tác đấu tranh chống tội phạm có tổ chức sẽ không cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.