Nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD của các doanh nghiệp (DN) và tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin (VT-CNTT) là mục tiêu chiến lược của đề án
Với vai trò là DN chủ lực trong lĩnh vực VT-CNTT, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, góp phần thúc đẩy tiến trình đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT trong thời gian sớm nhất.
Người dân tới đăng ký sử dụng các dịch vụ của Vinaphone. Ảnh: Thanh Hải
Với đặc thù là DN có lịch sử phát triển 66 năm, chặng đường phát triển của VNPT gắn liền với lịch sử cách mạng và công cuộc xây dựng đất nước. Những thành tựu của VNPT trong quá trình hình thành, xây dựng mạng lưới được ví như những viên gạch đặt nền móng cho ngành VT-CNTT hôm nay. Xác định rõ nhiệm vụ tiên phong, VNPT đã ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. VNPT đang là DN dẫn đầu trong phát triển hạ tầng VT-CNTT. Cụ thể, VNPT là nhà cung cấp dịch vụ phát triển hạ tầng cố định tốt nhất, chiếm thị phần lớn nhất (gần 80%). Từ năm 2005, VNPT đã hoàn thành chỉ tiêu 100% xã có điện thoại. VNPT tích cực đưa CNTT về nông thôn qua các chương trình: phổ cập tin học, nối mạng tri thức cho thanh thiếu niên nông thôn; 1 triệu giờ đồng hành; viễn thông công ích, chương trình hỗ trợ kết nối internet đến tất cả trụ sở xã, phường, trường học, cơ sở y tế...
Ngoài ra, với hệ thống các điểm bưu điện - văn hóa xã trên toàn quốc, người dân ở khu vực nông thôn đã dần được tiếp cận với nguồn tri thức mới… VNPT đang sở hữu hai mạng di động lớn nhất là Vinaphone và Mobifone (chiếm gần 60% thị phần) được đánh giá là mạng di động có chất lượng tốt tại Việt Nam, đi đầu khai trương mạng 3G... Không chỉ dẫn đầu với hơn 70% thị phần internet, VNPT đang triển khai mạng truyền dẫn cáp quang đến tận địa chỉ khách hàng. Tháng 4-2008, VNPT đã phóng thành công vệ tinh Vinasat-1, không những khẳng định chủ quyền không gian của quốc gia, mà sau 3 năm hoạt động, hơn 80% dung lượng của Vinasat-1 đã được sử dụng... Với những thành tựu đạt được, VNPT đã góp phần đưa Việt Nam lọt vào "Top 20" nước có số người sử dụng internet nhiều nhất thế giới; phấn đấu đến năm 2015, VNPT sẽ đưa băng rộng tới mọi gia đình.
Để tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ, VNPT tiếp tục khởi động dự án vệ tinh Vinasat-2, dự kiến đưa lên quỹ đạo trong năm 2012. Phát triển công nghiệp phần mềm cũng được VNPT coi trọng. Hoạt động gia công phần mềm bước đầu đạt hiệu quả, đây sẽ là lĩnh vực đem lại nguồn doanh thu đáng kể cho VNPT trong tương lai.
Để trở thành một quốc gia mạnh về CNTT-TT, vấn đề then chốt là phải tự chủ được việc sản xuất thiết bị. Nhận thức được điều đó, nhiều năm qua VNPT đã thành lập các công ty cổ phần, liên doanh sản xuất các thiết bị công nghiệp, đến nay đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hàng chục năm qua, Học viện Công nghệ bưu chính - viễn thông cùng hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp chuyên ngành công nghệ viễn thông của VNPT trên cả nước là cái nôi đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cho thị trường VT-CNTT. Bên cạnh mục tiêu kinh doanh, VNPT còn hỗ trợ kinh phí cho các trường để đào tạo nguồn nhân lực này cho cả xã hội. Đây là một trong những nguồn lực tiềm năng đóng góp cho tiến trình thực hiện đề án "Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT".
Xây dựng chiến lược phát triển SXKD luôn gắn liền với định hướng chung của quốc gia. VNPT đã kịp thời đưa giá trị ứng dụng của VT-CNTT vào phát triển đời sống của khu vực nông thôn, góp phần thực hiện chiến lược phát triển nông thôn mới. Để thực sự đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT-TT sẽ còn nhiều việc phải làm với sự cố gắng của từng DN; tuy nhiên, với vai trò đầu tàu, VNPT tiếp tục nỗ lực để một ngày không xa sẽ ghi tên Việt Nam trên bản đồ các quốc gia mạnh về CNTT-TT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.