(HNM) - Trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2009 (PCI) do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam vừa công bố, Hà Nội đã tụt 2 bậc xuống vị trí thứ 33 trong số 63 tỉnh, thành.
Việc đầu tàu kinh tế Thủ đô rớt hạng khiến nhiều người băn khoăn vì thực tế từ đầu năm 2009, triển khai quyết tâm của UBND TP Hà Nội, hầu hết các sở, ngành, quận, huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện "Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của TP Hà Nội giai đoạn 2009-2010" với mục tiêu nâng lên 10 bậc.
Không tăng được thứ hạng đã là điều không vui. Tụt hạng hẳn phải là một đáng tiếc. Vậy tại sao Hà Nội vẫn bị tụt hạng, và làm sao để thăng hạng? Lý do của sự giật lùi này dường như nhiều người cũng rất dễ nhận thấy. Hà Nội hợp nhất, bộ máy chính quyền cồng kềnh, cơ cấu tổ chức còn nhiều chỗ bất cập, công việc vì thế không tránh khỏi chồng chéo. Chưa hết, Hà Nội mở rộng địa giới, tức là tiếp nhận cả một vùng rộng lớn có chỉ số về hạ tầng, chất lượng lao động còn khá thấp, trong khi các khu vực ven và nội đô thì ngày càng phải chịu sức ép quá lớn của quá trình phát triển, tăng dân số, giảm hạ tầng... Ngoài ra, đất đai cũng luôn được coi là vấn đề nóng bỏng đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, lý do quan trọng hơn cần mổ xẻ chính là vấn đề cải cách hành chính. Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy tình hình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố, việc thực hiện cải cách hành chính năm qua có nhiều chuyển biến đáng kể. Nhiều thủ tục hành chính đã được rà soát rút gọn hơn, giảm bớt phiền hà và thời gian chờ đợi cho tổ chức và cá nhân.
Mô hình quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp được thúc đẩy chuyển từ "quản lý" sang "phục vụ", phân cấp quản lý doanh nghiệp cho các quận, huyện...
Các chính sách về thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh luôn là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính vì thế, Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính - đây cũng chính là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2010, đã được BCH Đảng bộ TP xác định tại Hội nghị lần thứ 18 vừa qua. Theo đó, TP cần tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, xây dựng quy chế, quy trình, chế độ trách nhiệm công tác trong các cơ quan hành chính; tiếp tục phân cấp mạnh các quận, huyện; tập trung cải tiến, loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, bảo đảm giải quyết thủ tục nhanh, chất lượng; trong đó cần coi trọng yếu tố công khai, minh bạch trong mọi công việc; xác định rõ người chịu trách nhiệm và thời gian hoàn thành... Và đặc biệt phải đề cao trách nhiệm công chức, nhất là người đứng đầu.
Mặt khác, TP cũng cần tập trung nguồn lực để đẩy nhanh phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng kinh tế. Cần rà soát lại công tác quản lý, điều hành kinh tế của bộ máy chính quyền, đánh giá các mặt mạnh, mặt yếu để có các giải pháp khắc phục, đồng thời tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và phù hợp với các định chế quốc tế... Các sở, ngành, quận, huyện cần bám sát tiêu chí của chỉ số PCI, thường xuyên giao ban, tổng kết và gặp gỡ lắng nghe doanh nghiệp phản ánh trên tinh thần cầu thị. Hà Nội là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước, phải chịu một sức ép về yêu cầu phát triển. Việc thu hút đầu tư cũng tập trung vào những ngành có công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, những ngành nằm trong chuỗi giá trị gia tăng cao... Để nâng cao tính cạnh trạnh còn đòi hỏi có sự đổi mới trong tư duy, nhận thức của từng cán bộ, công chức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.