(HNM) - Giao dịch quanh ngưỡng 96 USD/thùng khi ông Hosni Mubarak vẫn còn là Tổng thống Ai Cập gần hai tháng trước. Giá dầu thô Barent đã nhảy vọt lên 115,97 USD/thùng và dầu ngọt nhẹ là 104,91 USD/thùng (ngày 6-3) sau làn sóng biểu tình bùng nổ buộc Tổng thống H.Mubarak phải ra đi và đang chia quốc gia láng giềng Libya thành hai nửa; đồng thời đặt tương lai người đồng nhiệm Muammar Gaddafi vào thế chông chênh chưa từng có.
Tổ hợp dầu mỏ Brega, lớn thứ hai của Libya hoang vắng trong cuộc biến động chính trị đang diễn ra. |
Các cuộc giao tranh ác liệt nhằm mở rộng vùng lãnh thổ kiểm soát giữa quân chính phủ và phe nổi dậy ở Libya vài ngày qua đã làm sâu sắc thêm nỗi hoảng sợ về cơn lốc giá trên thị trường nhiên liệu. Người ta bắt đầu lo lắng về nguy cơ một cuộc khủng hoảng dầu mỏ nếu cơn sốt "cách mạng hoa" tiếp tục lan khắp vựa dầu thế giới.
Hàng loạt công ty dầu mỏ quốc tế danh tiếng đã ngừng khai thác tại Libya, hoạt động trong nước bị đình đốn vì loạn lạc, các cảng dầu trở nên hoang vắng lạ thường do công nhân bỏ việc… Ngành kinh tế xương sống của Libya thực sự chao đảo khi sản lượng dầu thô đã giảm xuống 750.000 thùng/ngày từ mức 1,6 triệu thùng khi chưa xảy ra biến cố. Việc quốc gia sản xuất dầu lửa thứ 18 trên thế giới không còn bơm dầu ra bên ngoài đã không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các khách hàng châu Âu - những nhà tiêu thụ chủ yếu của dầu Libya mà còn là nguyên nhân trực tiếp đẩy giá dầu toàn cầu lên mức cao nhất trong vòng hai năm rưỡi qua. Cho dù chỉ đáp ứng 2,2% sản lượng dầu thế giới, song những mỏ dầu khổng lồ ở vùng sa mạc nắng cháy tại đất nước 1,8 triệu kilômét vuông này đã cung cấp loại dầu ngọt nhẹ tốt nhất hành tinh cho thế giới. Hàm lượng lưu huỳnh thấp cho khí đốt sạch và ít ô nhiễm môi trường đã khiến dầu thô Libya thành món vàng đen không dễ thay thế. Vì vậy, cho dù Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không gặp nhiều khó khăn để bù đắp lượng thiếu hụt từ thành viên Bắc Phi, nhưng chất lượng dầu kém hơn nhiều đã và đang đẩy giá thành lọc dầu lên cao được xem là nguyên cớ quan trọng thổi bùng lo ngại về một cơn bão giá dầu không thể sớm lắng dịu.
Thị trường dầu quốc tế không xa lạ với cảnh báo giá dầu sẽ biến động nếu thế giới Arab lâm vào bất ổn. Tuy nhiên, điều mang tới sự hoang mang hiện đang trải rộng khắp các lục địa là nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn hồi sức sau khủng hoảng khó có thể chống chọi với cú sốc mới từ chu kỳ tăng giá đột biến của dầu mỏ mà không rơi vào suy thoái trở lại. Với những gì lịch sử để lại thì kể từ năm 1970 đến nay, 5 cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1974, 1980, 1990, 2001 và 2008) đều đến tiếp sau một đợt giá nhiên liệu tăng vọt. Ngay cả khi kịch bản tồi tệ này không lặp lại thì việc dành khoảng 5% GDP để mua dầu lửa mỗi năm - tương đương 3.000 tỷ USD tính theo giá 100 USD/thùng - cỗ xe kinh tế thế giới chắc chắn sẽ gặp phải vật cản nếu như giá dầu tiếp tục tăng và vượt ngưỡng 120 USD/thùng trong những ngày tới. Cụ thể, chỉ cần các hợp đồng dầu ở mức bình quân 100 USD/thùng trong năm nay, nước Mỹ sẽ tốn 385 tỷ USD cho chi phí năng lượng, nhiều hơn 80 tỷ USD so năm ngoái. Liên minh châu Âu (EU), mắt xích kinh tế được xem là yếu nhất hiện nay cũng phải bỏ thêm 76 tỷ USD cho hóa đơn năng lượng 375 tỷ USD. Trong khi đó, đầu tàu kinh tế thế giới là châu Á đương nhiên sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề nhất khi 1/3 nhu cầu dầu là do Trung Cận Đông cung cấp... Trong bối cảnh như vậy, không ai muốn nghĩ tới điều tồi tệ nhất là rối loạn sẽ lan tới Saudi Arabia vì một khi mức khai thác 9 triệu thùng/ngày của người anh cả trong OPEC bị gián đoạn thì cuộc khủng hoảng dầu mỏ sẽ bùng nổ gây ra những hậu quả khôn lường đối với tất cả các quốc gia trên hành tinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.