(HNM) - Có một ngôi trường đặc biệt dành cho HS trung học Thủ đô là người dân tộc thiểu số ở 13 xã miền núi - Trường phổ thông dân tộc nội trú Hà Nội. Với việc rục rịch khởi công mở rộng khuôn viên
Gìn giữ sắc màu dân tộc
Mùng Tám Tết, ngày làm việc đầu tiên của năm mới Nhâm Thìn, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Hà Nội Nguyễn Văn Phú cho biết: Từ sáng sớm, HS được xe địa phương "áp tải" đến trường, trao tận tay cho Ban quản lý khu nội trú sau kỳ nghỉ Tết khá dài. Với điểm khác biệt này nên sĩ số HS trong ngày đầu năm học luôn ổn định và lịch học tập, thời gian sinh hoạt của HS nội trú vì thế không có nhiều đảo lộn. Để có được sự ổn định ấy, ban giám hiệu và các thầy, cô, mà đa số là người Kinh, đã cố gắng tìm hiểu tường tận phong tục, tập quán các dân tộc để nắm bắt tâm lý, lối sống của các em.
Câu chuyện xảy ra đã khá lâu nhưng vẫn được kể lại như một ví dụ điển hình về việc này. Một cậu HS dân tộc Dao trốn trường đi bộ mấy chục cây số về nhà để dự sinh nhật ông nội dù trường không cho phép HS nghỉ học vào những ngày giữa tuần. Sau cả ngày tìm kiếm, giáo viên phải về tận nhà HS mới biết, em là cháu đích tôn của dòng họ nên không thể vắng mặt trong ngày sinh nhật ông nội mình. Đây là buổi lễ rất quan trọng đối với các thành viên trong gia đình người dân tộc Dao, vì họ chỉ tổ chức sinh nhật khi còn sống chứ không làm đám giỗ sau khi qua đời. Vì thế, các con cháu trong nhà dù đi xa nơi đâu, bận bịu đến mấy cũng gắng sức để có mặt cùng gia đình trong ngày này. Hiểu phong tục, tập quán và hoàn cảnh của học trò, nhà trường có những quy định và sự hỗ trợ hợp lý để các em yên tâm học tập.
Điều gây ấn tượng với những vị khách khi đến thăm trường ngay lần đầu tiên là nền nếp sinh hoạt và thói quen tự lập của những cư dân nội trú. Trên diện tích gần 2ha, khu hiệu bộ, lớp học, nhà ăn, ký túc xá, thư viện, sân tập, sân chơi, vườn cây… lúc nào cũng sạch sẽ nhưng không hề thấy có bóng lao công. Tất cả đều do HS đảm nhiệm. Gắn bó cùng nhau 7 năm (từ lớp 6 đến hết lớp 12) dưới mái nhà chung, ngoài việc rèn thói quen tự lập, các em còn biết sống có trách nhiệm hơn. Mỗi khoảnh sân vườn được các phòng nội trú phân công nhau phụ trách chăm sóc. Ngoài giờ học, các em còn cùng thầy, cô trồng rau để cải thiện bữa ăn.
Một ngày của cư dân nội trú
6 giờ kém 10 phút sáng, tiếng kẻng báo hiệu một ngày mới bắt đầu vang lên ở ngôi trường nằm giữa những triền núi Ba Vì. Có lẽ hiếm ngôi trường nào trên địa bàn Thủ đô lại sử dụng nhiều hiệu lệnh đến thế. Giờ học được báo hiệu bằng trống, còn tiếng kẻng để thông báo thời gian biểu sinh hoạt hằng ngày. Có kẻng báo giờ cơm vào lúc 12 giờ kém 15, 17 giờ, kẻng báo giờ học bài buổi tối lúc 19 giờ 30, kẻng báo giờ đi ngủ, báo thức buổi sáng… Quy định ở đây là toàn bộ HS đều phải lên lớp học bài buổi tối. Ban giám hiệu và Ban quản lý nội trú kiểm tra, giám sát chặt chẽ và thường xuyên việc thực hiện thời gian biểu, được điều chỉnh cho phù hợp với thời tiết từng mùa hoặc đối tượng HS.
Đi học nội trú thực sự là một thử thách với những "tân binh" khi bước vào lớp 6 - năm đầu tiên đến với trường. Hơn mười tuổi đã phải sống xa gia đình, phải tự lo mọi thứ, các em còn nhiều bỡ ngỡ. Vì thế, HS lớn được phân công ở kèm với các em bé hơn. Thầy Nguyễn Đắc Ích, Phó hiệu trưởng, cũng là người đã gắn bó với ngôi trường này từ ngày thành lập (năm 1994) đã chứng kiến biết bao lần các cô, cậu học trò của mình thao thức suốt đêm khóc vì nhớ nhà, có khi đến cả hai tháng trời, tưởng chừng không thể trụ lại để học tập. Nhưng rồi tình thương yêu, đùm bọc của các anh chị cùng phòng và sự dìu dắt của hơn 70 thầy, cô đã giúp các em sớm hòa nhập và trưởng thành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.