(HNM) - Những ngày đầu tiên của năm mới Tân Mão, chúng tôi đã tìm về làng Tả Thanh Oai (còn gọi làng Tó hay Tó Tả) thuộc xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì - nơi được mệnh danh là làng khoa bảng với hàng chục tiến sĩ trong lịch sử; đến thăm nhà thờ các danh nhân Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm...
Làng tiến sĩ
Đến làng Tả Thanh Oai những ngày đầu năm mới thường gặp không khí vui vẻ, ấm cúng của những người con thành đạt xa quê lâu ngày sum vầy về ăn Tết. Ông Nguyễn Xuân Mai, cán bộ văn hóa xã lần dở từng trang sách cổ nói với chúng tôi về lịch sử đầy tự hào của làng mình. Ngôi làng cổ nhỏ bé này hàng trăm năm nay đã được mệnh danh là làng khoa bảng của cả nước với 12 người đỗ đại khoa (gồm 4 hoàng giáp và 8 tiến sĩ). Trong số đó, người khai khoa đầu tiên là cụ Nguyễn Chỉ, đỗ tiến sĩ khoa Quý Dậu niên hiệu Thái Hòa đời Lê Nhân Tông (1453) và người đỗ cuối là cụ Ngô Điền, đỗ khoa Tân Sửu (1841), đời Thiệu Trị… Ngoài ra, làng còn có 27 hương cống thời Lê, 10 cử nhân thời Nguyễn…
Không chỉ nổi danh là một làng khoa bảng lớn, Tả Thanh Oai còn được biết đến là làng văn chương bậc nhất không chỉ của đất Thăng Long xưa, Hà Nội nay mà còn của cả nước. Dòng họ Ngô với hai cha con Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm là những danh nhân kiệt xuất, học vấn sâu rộng, vừa là quan văn, vừa là tướng, vừa là nhà sử học, nhà thơ, để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Họ Ngô còn nổi tiếng với nhóm Ngô Gia Văn Phái, để lại cho đời 36 bộ sách, phản ánh nhiều mặt đời sống chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX. Trong số đó, bộ tiểu thuyết Hoàng Lê nhất thống chí được đánh giá là tác phẩm ký sự lịch sử danh tiếng bậc nhất của văn chương Việt Nam.
Tiếp nối truyền thống cha ông, con em làng Tả Thanh Oai ngày nay không ngừng sự nghiệp đèn sách để lập nên những kỷ lục mà không phải ngôi làng nào cũng sánh kịp. Người làng Tả Thanh Oai vẫn thường nói vui với nhau rằng, mặc dù là vùng nông thôn nhưng ở làng thì chỉ cần ra ngõ là gặp cử nhân, tiến sĩ. Thật vậy, cả làng hiện nay có 8.000 dân với khoảng 2.000 hộ thì có 1 giáo sư và 8 tiến sĩ, 6 thạc sĩ và cử nhân thì nhiều không đếm nổi. Cả thôn hiện có 32 dòng họ sinh sống trong đó, họ Tưởng, Ngô, Nguyễn là những họ lớn, đóng góp cho làng nhiều tiến sĩ, văn sĩ.
Đất nghèo nuôi chí học
Theo các cụ cao niên, Tả Thanh Oai là làng quê đất chật, người đông, chất đất xấu, nên tục ngữ làng có câu "Ruộng làng Tó chó chạy hở đuôi". Nhưng tại đây có đường thiên lý tây đạo chạy qua, lại là nơi sông Tô Lịch nhập vào sông Nhuệ thành đầu mối giao thông đường thủy lớn trên bến dưới thuyền giao thương tấp nập. Và việc đi học, đi thi cũng là một chí hướng hành nghề, lập nghiệp quan trọng.
Theo sự chỉ dẫn của người làng, chúng tôi đến "xông đất" gia đình khoa cử Nguyễn Tất Thông. Mỗi khi có người hỏi tới việc học của gia đình và dòng họ, trong ánh mắt của ông lại ánh lên niềm kiêu hãnh. Ông cho biết: Họ Nguyễn ở làng này đã sang đời thứ 25, đời nào cũng có người đỗ đạt. Trong đó, cụ Tổ Nguyễn Chỉ là người đỗ tiến sĩ đầu tiên, mở ra sự nghiệp khoa cử cho cả làng. Cái tên "Nguyễn tộc khai khoa" được dân làng tôn vinh cũng bắt đầu từ đó. Nối tiếp truyền thống của cha ông, các đời sau, họ Nguyễn đều có người thành đạt. Cụ thể, trước năm 1900, họ có 14 người đăng khoa, có sự nghiệp lớn. Từ năm 1900 đến nay, có 112 người đỗ cử nhân trở lên. Ngay trong gia đình ông có 6 người con thì cả 6 người đều có bằng cử nhân, 2 người thạc sĩ. Ngoài họ Nguyễn, họ Ngô cũng đóng góp cho làng nhiều tiến sĩ, ông Ngô Đức Diễn, 69 tuổi hậu duệ dòng họ Ngô cho biết, gia đình ông có 5 người con thì cả 5 người đều học hành đỗ đạt cả trong đó có một tiến sĩ hiện đang làm việc tại Nhật Bản.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai Nguyễn Tràng Thắng, làng Tả Thanh Oai đạt thành tích cao trong học tập như vậy là do thừa hưởng truyền thống của cha ông từ hàng ngàn năm lịch sử. Ngoài ra, chính sự đói nghèo, sự vất vả trong sản xuất nông nghiệp đã thúc đẩy người làng sớm hôm đèn sách để thoát cảnh chân lấm tay bùn. Đặc biệt, trong sự thành danh của những người đàn ông, người phụ nữ làng Tả Thanh Oai góp phần rất lớn. Từ xưa, người phụ nữ kẻ Tó đã quen sớm hôm một nắng hai sương cấy hái, buôn bán và có nhiều nghề phụ như làm bánh đúc, bún, xôi chè và nấu rượu… Nhờ vậy, đã tạo dựng cơ sở kinh tế tương đối ổn định để các gia đình nuôi con ăn học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.