(HNM) - Từ trước đến nay, người ta nghĩ rằng nền kinh tế nước tổ chức World Cup sẽ được cải thiện. Nhưng trong một nghiên cứu mới đây, nhà kinh tế học thể thao Dennis Coates đã đưa ra những con số sinh động chứng minh điều ngược lại.
Coates cho hay, ước tính nước Mỹ đã mất đứt 9,6 tỷ đô la khi tổ chức World Cup 1994 - sự kiện thể thao lớn nhất thế giới trong năm đó. Không khác Mỹ là bao, Đức và Nam Phi cũng lỗ vốn khi tổ chức World Cup 2006 và World Cup 2010.
Theo tính toán, nước chủ nhà World Cup được hưởng lợi nhờ dịch vụ du lịch có điều kiện phát triển mạnh, có thêm công ăn việc làm và thu hàng tỷ đô la nhờ việc bán vé và thu tiền tài trợ, quảng cáo. Nhưng nhu cầu chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, SVĐ, bảo vệ, an ninh... gần như tiêu sạch các khoản thu ấy. Thường thì chủ nhà chỉ có cái lợi đáng kể nhất là tạo được công ăn việc làm cho người dân, còn lại, chính phủ phải bao cấp mọi đầu việc và chỉ có được khoản lãi rất nhỏ nếu quốc gia đăng cai có nền bóng đá tiên tiến. FIFA thường chỉ chi những khoản tiền vừa đủ để trợ giúp nước chủ nhà tổ chức giải. Chẳng hạn như Nam Phi được trợ giúp 482 triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Dennis Coates cho rằng việc tổ chức World Cup không thể cải thiện nền kinh tế của nước chủ nhà. Tuy vậy, người dân và cổ động viên nước chủ nhà rất phấn khởi bởi họ sẽ được sống trong cảnh hội hè suốt một tháng. Và suốt một tháng trời đó, họ sẽ là tâm điểm của thế giới. Chỉ riêng điều này cũng làm cho người dân nước chủ nhà thích thú. Bởi vậy mà việc được tổ chức World Cup luôn là khát vọng vượt trên những lý do kinh tế...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.