Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đâu là nguyên nhân?

Quỳnh Dung| 10/04/2010 05:22

(HNM) - Hiện nay ở một số huyện của TP Hà Nội đang xảy ra tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm nặng do chịu ảnh hưởng từ các dòng sông cùng với nguồn nước thải sinh hoạt và thói quen nuôi trồng của người dân dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt, gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân.


Nguồn nước ô nhiễm
Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, hiện nay diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) của Hà Nội khoảng 18.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Thanh Trì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Ba Vì... Thu nhập từ NTTS đạt từ 200-250 triệu đồng/ha, cao gấp 4-5 lần so với cấy lúa. Tuy nhiên, người NTTS đang đối mặt với hiện tượng nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ ở mức độ cao và dịch bệnh phát sinh thường xuyên mà chưa có giải pháp để khắc phục. Anh Nguyễn Xuân Sỹ, ở xã Minh Đức, Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết, với diện tích 6ha NTTS, mỗi năm gia đình thu hoạch 2 lứa cá, thu nhập 200 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi được 100 triệu đồng/ha. Nhưng hiện tại người dân xã Minh Đức đang phải đối mặt với việc nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề. Hiện tại sông Nhuệ đã biến thành dòng sông "đen", trong khi người dân Minh Đức lấy nước để NTTS chủ yếu từ đây nên rủi ro rất cao. Anh Sỹ lo lắng cho biết: "Khi chúng tôi bơm nước vào để thả cá, dòng nước đen ngòm, bốc lên mùi hôi, thối. Từ đầu năm đến nay, do nguồn nước bị ô nhiễm, cá trong khu NTTS của tôi bị chết gần 2 tấn, nếu như trong thời gian tới không có nguồn nước sạch thì đành phải chuyển sang cấy lúa. Nếu cứ nuôi với nguồn nước này sẽ bị lỗ vốn".

Ông Nguyễn Viết Để, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết: ngoài nguồn nước bị ô nhiễm từ các dòng sông, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm là do trong quá trình nuôi, nông dân đã xả nước trong ao, hồ ra sông ngòi. Lượng cá, tôm càng lớn, chất thải càng nhiều, nước thải, bùn chứa phân của các loại thủy sản, thức ăn dư thừa bị thối rữa, chất tồn dư của các loại vật tư sử dụng trong nuôi trồng như hóa chất, vôi, chất khoáng, khí hữu cơ, khí vô cơ H2S, NH3... từ nơi nuôi xả ra sông càng gây ô nhiễm cao. Qua kiểm tra mẫu nước ở nhiều nơi cho thấy hầu hết các ao nuôi cá đều có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ như COD, BOD, Nitơ cao hơn tiêu chuẩn cho phép, điều này đã tác động rất xấu đến môi trường.

Bên cạnh đó, do nhiều hộ nuôi vẫn chưa hiểu biết nhiều về môi trường nên vẫn còn tình trạng xả thải bùn đáy ao, đưa mầm bệnh ra môi trường tự nhiên làm môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến năng suất trong NTTS. Mặt khác, do người nuôi chưa có kiến thức về kỹ thuật nên nuôi với mật độ quá nhiều, điều này làm cho cá không những không lớn mà dễ phát sinh dịch bệnh…

Giải bài toán khó
Theo ông Nguyễn Viết Để, để nghề NTTS phát triển ổn định và bền vững, các địa phương cần quy hoạch hệ thống cấp nước và tiêu nước cho các vùng nuôi hợp lý. Theo đó, hệ thống này nên được tách riêng ra khỏi khu trồng lúa, đặc biệt là hệ thống lấy nước cấp cho các khu NTTS. Cần áp dụng các quy trình công nghệ mới để xử lý nguồn nước thải từ các ao nuôi trước khi thải ra môi trường. Đặc biệt, trong nuôi trồng thâm canh, nuôi công nghiệp, cần tập trung xử lý chất thải bằng các giải pháp như: chế phẩm sinh học để xử lý triệt để các thành phần độc hại ô nhiễm có trong nước thải, chất thải thành các chất an toàn sinh thái. Các chế phẩm sinh học này là các vi khuẩn yếm khí, nấm men... để xử lý lượng thức ăn dư thừa, chất thải trong ao nuôi và nguồn bùn cặn ở đáy ao... Đây là những vấn đề mà các cơ quan chuyên môn phải tập trung phổ biến cho người nuôi để khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước, tránh rủi ro trong quá trình NTTS.

Bên cạnh việc người nông dân hạn chế tối đa các loại thức ăn tươi và thức ăn tự chế để giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các địa phương cần xây dựng các khu NTTS tập trung, quy mô lớn nhằm kiểm soát các nguồn ô nhiễm… Ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát để hạn chế tối đa sử dụng các loại hóa chất, thuốc trong danh mục cấm sử dụng... đồng thời tuyên truyền vận động người dân hưởng ứng các chương trình chống ô nhiễm môi trường nước: không thải các chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi và chất thải rắn xuống các ao, hồ...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đâu là nguyên nhân?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.