(HNM) - Chỉ trong vài tiếng đồng hồ chiều 8-12, Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG) đã ký hợp đồng độc quyền phát sóng truyền hình (TH) với LĐBĐ Việt Nam (VFF) và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam (LĐĐK). Bản hợp đồng được lãnh đạo các LĐ đánh giá là
Trên thực tế, quá trình thương thảo giữa AVG với 2 LĐ trên đã bắt đầu từ cách đây khá lâu. Cụ thể, đầu năm 2010, AVG đã chính thức đặt đề nghị với nhiều LĐ và hiệp hội thể thao. Tuy nhiên, VFF và LĐĐK là 2 đơn vị tỏ ra hào hứng nhất. Được biết, ngay từ giữa năm 2010, BCH VFF, trong hội nghị tại Nha Trang, đã thông qua việc chấp thuận với đề nghị của AVG.
Các giải đấu của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam từ nay sẽ do AVG độc quyền phát sóng.
Với việc ký hợp đồng cùng VFF và LĐĐK, AVG sẽ giành quyền độc quyền khai thác thương quyền TH đối với các giải đấu thuộc 2 LĐ trên. Theo Phó TTK LĐĐK Nguyễn Mạnh Hùng, AVG sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ đối với hoạt động truyền thông và quảng cáo trên TH. Trong trường hợp muốn phát sóng các giải đấu điền kinh, các đài TH khác phải được phép của AVG. AVG chỉ đồng ý để các đài trích 10% thời lượng để làm tin, phục vụ cho việc quảng bá hình ảnh giải đấu. Một cách dễ hiểu nhất, AVG trở thành chủ sở hữu đối với bản quyền phát sóng các giải đấu.
Thực tế, đây cũng chính là mục tiêu của AVG khi đặt vấn đề ký hợp đồng với các LĐ (thông tin cho biết, AVG muốn ký hợp đồng với khoảng 20 LĐ, hiệp hội). Trong kế hoạch trình lên lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam, AVG đã không ngần ngại công khai mục tiêu trở thành "nhà bảo trợ truyền thông của TTVN", thông qua việc độc quyền phát sóng TH.
Mấu chốt để VFF và LĐĐK đồng ý ký hợp đồng với AVG dễ đoán xuất phát từ những đề nghị tài chính hấp dẫn AVG đưa ra. Cụ thể, bên cạnh một khoản cố định hằng năm, các LĐ còn được hưởng 20% lợi nhuận thu lại từ các hoạt động khai thác thương quyền giải đấu do AVG thực hiện. Với LĐĐK, mức phí cố định AVG đưa ra được biết là 50 triệu đồng. Với VFF, con số trên có cao hơn. Nếu những thông tin từ VFF đưa ra là đúng thì trong trường hợp bắt tay với AVG, mỗi năm VFF sẽ thu được trên dưới 30 tỷ đồng. Một khoản lợi nhuận khó có thể bỏ qua. Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng từng ít nhiều thừa nhận chuyện này. Theo ông Hỷ, "VFF không thể cứ "chiêu đãi" mãi được".
Ở đây, sẽ là không vấn đề gì nếu hợp đồng giữa AVG với các LĐ không kéo dài tới 20 năm. Một kỷ lục chưa từng có đối với bản quyền các giải đấu thể thao. Điều này không khỏi khiến nhiều người băn khoăn trước khả năng lợi ích của người dân bị ảnh hưởng, xuất phát từ việc độc quyền của AVG. Thực tế những hệ lụy từ vụ việc K+ độc quyền phát sóng Giải Ngoại hạng Anh vừa qua là một ví dụ rõ nét. Cho tới thời điểm hiện tại, vẫn có hàng triệu người phản đối K+ vì mức phí quá cao "nhà đài" này đặt ra đối với các thuê bao.
Liệu ở đây có "vấn đề" gì không, khi quá trình thương thảo giữa AVG và VFF đã bị VFF "ém kỹ". Cũng rất bất ngờ và âm thầm, VFF tiến hành ký hợp đồng với AVG ngay chiều 8-12 vừa qua. Chỉ 1 ngày trước đó, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ còn khẳng định, phải chờ đến cuối tháng 12 hoặc sang đầu năm 2011 mới tiến hành ký kết với AVG, trong trường hợp đàm phán thành công. Nên chăng, AVG và VFF cũng như LĐĐK cần có sự giải trình để yên lòng người hâm mộ cả nước?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.