(HNM) - Phát triển thị trường nội địa thông qua việc mở rộng kênh phân phối, đa dạng hóa mẫu mã, sản phẩm... đang là giải pháp chiến lược mà các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may (DM) hướng tới...
Đóng gói áo sơmi xuất khẩu tại Công ty May 10. Ảnh: Bảo Lâm |
Những năm gần đây, nhiều DN DM đã xác định tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa là chiến lược kinh doanh lâu dài để phát triển và tăng trưởng bền vững. Tiên phong trong lĩnh vực này là Tổng Công ty CP May Việt Tiến với hệ thống 1.300 cửa hàng phân phối tại các tỉnh, thành phố. Đầu tư bài bản trong nhiều năm, đến nay, sản phẩm may Việt Tiến đã có chỗ đứng trên thị trường nội địa. Ông Phan Văn Kiệt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May Việt Tiến cho biết, để khai thác tối đa lợi thế trên "sân nhà", Việt Tiến đã mời nhiều nhà tạo mẫu chuyên nghiệp nghiên cứu để đưa ra những nhãn hiệu thời trang theo từng phân khúc thị trường. Ngoài việc phát triển dòng thời trang công sở, như các thương hiệu San Ciaro, Fan-Fciar, Manhattan... Việt Tiến đã đưa ra thị trường thương hiệu Việt Long dành cho khách hàng bình dân. Với nỗ lực đó, 6 tháng đầu năm nay, doanh thu từ thị trường nội địa của tổng công ty đạt 416 tỷ đồng (tăng 53% so với kế hoạch đề ra).
Cũng như Việt Tiến, các DN khác, như May 10, May Nhà Bè, May Đức Giang... đều xác định thị trường nội địa là kênh tạo doanh thu quan trọng. Ông Thân Đức Việt, Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10 cho biết, ngoài 130 điểm bán, giới thiệu sản phẩm tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, May 10 đang phát triển hệ thống phân phối và thực hiện chương trình đưa hàng về nông thôn. May 10 đã thành lập trung tâm kinh doanh thương mại, phát triển mô hình chuỗi siêu thị bán lẻ. Trong tuần đầu khai trương cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm tại Thiệu Đô (Thanh Hóa), mỗi ngày doanh thu bán hàng đã đạt hơn 60 triệu đồng. Sau điểm bán hàng tại Thanh Hóa, May 10 tiếp tục khai trương chuỗi cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm tại Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Tại Hà Nội và các thành phố lớn, May 10 sẽ khai trương siêu thị May 10 Plaza, Thái Hà Plaza và mua bản quyền của những thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới để bán tại thị trường nội địa, nhằm cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu. Nói về sự thành công tại thị trường nội địa, không thể không nhắc đến Công ty TNHH MTV Thương mại Thời trang dệt may Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dệt may), đơn vị chuyên kinh doanh hàng dệt may 100% sản xuất trong nước. Đến nay, hệ thống bán lẻ của đơn vị này đã phát triển được 56 điểm bán hàng tại 24 tỉnh, thành phố với tốc độ tăng trưởng bình quân 40%/năm. Thời gian tới, cùng với việc nâng cấp những điểm bán hàng đã có, công ty sẽ mở rộng mạng lưới bán lẻ với 200 điểm bán hàng nhằm đưa đơn vị trở thành "trụ cột" trong việc bảo vệ thị phần hàng DM trên thị trường nội địa.
Thị trường nội địa được DN DM coi là "sân nhà" với lợi thế hiểu tập quán tiêu dùng, có hệ thống phân phối rộng khắp… nhưng chiếm lĩnh thị trường nội địa không đơn giản, bởi hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm DM của nước ta còn thấp. Các DN chủ yếu vẫn tập trung vào khâu gia công, chưa chú trọng đầu tư khâu thiết kế và phân phối. Trong khi đó, hàng giả, hàng nhái thương hiệu nổi tiếng với giá rẻ tràn ngập thị trường. Vì thế, để đứng vững trên "sân nhà", DN phải đầu tư xây dựng đội ngũ nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp, nghiên cứu về thị hiếu mua sắm của khách hàng... Theo ông Phan Văn Kiệt, việc tìm được nguồn cung nguyên, phụ liệu ổn định, giá hợp lý là yếu tố then chốt để sản phẩm DM Việt Nam duy trì khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại. Hiện nay, tầng lớp có thu nhập cao chỉ chiếm 10% dân số, trong khi phân khúc thu nhập trung bình, thấp chiếm số đông. Duy trì được chất lượng và tính ổn định của mỗi dòng sản phẩm là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng lòng tin của người tiêu dùng trong, ngoài nước.
Ngoài nỗ lực của mỗi DN, sự hợp tác, hỗ trợ giữa các ngành chức năng, các nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng cũng rất quan trọng. Ngăn hàng lậu, hàng giả từ các nước lân cận tràn vào, ngăn chặn tình trạng DN trong nước vi phạm bản quyền thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài; kiểm soát chặt tiêu chuẩn bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng… trước khi nhập khẩu sản phẩm vào Việt Nam là những vấn đề cấp bách với ngành dệt may Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.